Có 6 bị cáo nguyên là các lãnh đạo cao cấp của GP Bank bị đưa ra xét xử, trong đó bị cáo chính là Tạ Bá Long (SN 1955), nguyên Chủ tịch HĐQT GP Bank.
Những hành vi vi phạm của các bị cáo đã dẫn đến khoản thiệt hại 3.900 tỷ đồng cho GP Bank. Tuy nhiên, các bị cáo đã khắc phục gần 1.000 tỷ đồng.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, một số luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, đề nghị triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, triệu tập đại diện Tổ giám định, đại diện Tổ giám sát đặc biệt tại GP Bank.
Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Theo cáo buộc, trong năm 2009 và 2010, để có tiền mua cổ phần tăng vốn điều lệ ngân hàng theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các bị cáo đã sử dụng 3 pháp nhân để vay tiền mua cổ phần. Trong quá trình vay, trả đã có vi phạm dẫn đến thiệt hại.
Được biết, tiền thân của GP Bank là Ngân hàng cổ phần nông thôn Ninh Bình và đổi tên, chuyển đổi mô hình hoạt động vào năm 2007. Khi đó, vốn điều lệ của ngân hàng là 203 tỷ đồng.
Năm 2014, GP Bank thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 12 ghi nhận vốn điều lệ 3.018 tỷ đồng, gồm 903 cổ đông là các tổ chức và cá nhân. Trong đó, Tạ Bá Long và nhóm liên quan sở hữu 34,99% vốn điều lệ.
Kết quả điều tra xác định, để có tiền mua cổ phần tăng vốn điều lệ, các bị cáo đã sử dụng 3 công ty gồm: CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Thành Trung, Công ty TNHH Đại Lải, CTCP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, phát hành 3.380 trái phiếu. Bên mua là Công ty Tài chính cổ phần điện lực EVNFinance.
Trong số tiền 3.380 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu, có hơn 2.611 tỷ đồng được sử dụng để 2 nhóm cổ đông lớn, trong đó có nhóm của bị cáo Long mua cổ phần tăng vốn điều lệ của GP Bank lên 2.000 tỷ đồng (năm 2009) và 3.018 tỷ đồng (năm 2010).
Hơn 512 tỷ đồng được sử dụng để trả lãi cho EVNFinance và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Còn lại 255,7 tỷ đồng, được sử dụng vào hoạt động đầu tư kinh doanh của 3 công ty nói trên.
Do không có tiền để trả gốc và lãi trái phiếu cho EVNFinance, các bị cáo đã sử dụng Công ty Thành Trung và Công ty Sao Bắc rút tiền của GP Bank để trả nợ.
Cụ thể, Công ty Thành Trung đã ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower (109 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) do CTCP Du lịch thương mại và đầu tư Thủ đô đầu tư và ký hợp đồng bán lại cho GP Bank để lấy 2.200 tỷ đồng.
Công ty Sao Bắc và GP Bank ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GP Bank. Theo thỏa thuận, Công ty Sao Bắc góp vốn bằng quyền sử dụng 6.225m2 đất và tiền mặt. GP Bank góp 1.700 tỷ đồng.
Thông qua 2 hợp đồng này, GP Bank đã chuyển cho 2 công ty 3.900 tỷ đồng. Các bị cáo đã sử dụng 3.793 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn và trả lãi. Cho đến ngày khởi tố vụ án, Công ty Thành Trung và Công ty Sao Bắc còn nợ GP Bank 3.893 tỷ đồng nợ gốc và 858 tỷ đồng nợ lãi, không có khả năng thanh toán.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành xác minh tại CTCP Du lịch thương mại và đầu tư Thủ đô. Kết quả cho thấy, Công ty Thủ đô có xin ý kiến ĐHCĐ về chủ trương chia diện tích sàn nhà Tòa nhà Capital House cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Nhưng đến nay, Công ty Thủ đô vẫn chưa xây dựng và thông qua được phương án phân chia.
Về dự án ở An Khánh, Công ty Sao Bắc được giao làm chủ đầu tư Dự án khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh, phần diện tích dược giao là 6.225m2. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh 1/500, nhưng đến nay, Công ty Sao Bắc chưa triển khai bất kỳ hạng mục nào của dự án này.
Còn về Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GP Bank, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội chưa thụ lý hồ sơ và ban hành bất kỳ văn bản nào liên quan đến dự án này.
Theo kết luận giám định của NHNN, việc GP Bank đặt cọc mua trụ sở với giá 2.200 tỷ đồng và hợp tác đầu tư Dự án ở An Khánh là vi phạm tỷ lệ mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động. Theo quy định, tỷ lệ này phải không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (Điều 140, Luật các tổ chức tín dụng).