Theo cáo trạng, tháng 5/2012, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - HBB (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, SHB) có đơn tố cáo TAS chiếm đoạt hơn gần 22 tỷ đồng thông qua hình thức ủy thác đầu tư để vay vốn.
Kết quả điều tra cho thấy, do thiếu vốn hoạt động kinh doanh và nợ nần, nguyên Tổng giám đốc TAS cùng với nhân viên cấp dưới thực hiện việc lập khống hồ sơ mang tên khách hàng để vay tiền ngân hàng HBB và BIDV đầu tư chứng khoán.
Sau khi được các ngân hàng giải ngân khoản tiền vay cho các khách hàng vào tài khoản của TAS, số tiền này được Công ty sử dụng để kinh doanh và trả nợ.
Bản cáo trạng cho thấy, nhóm bị can đã lập khống hồ sơ cầm cố chứng khoán trong tài khoản của 19 nhà đầu tư cho ngân hàng. Chữ ký trong hồ sơ là chữ ký giả.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, đề xuất, duyệt giải ngân của các cán bộ và lãnh đạo ngân hàng chưa làm hết trách nhiệm được giao nên không phát hiện được chữ ký giả, dẫn đến thất thoát lớn cho ngân hàng.
Hiện toàn bộ số chứng khoán này bị phong tỏa. Để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của 19 khách hàng trên, cáo trạng cho rằng, HBB phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số lượng, mã chứng khoán cho 19 khách hàng nói trên.
Dù vậy, đến nay, vụ án kéo dài với 2 lần thay đổi tội danh và chưa có được bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, vấn đề giải quyết tài khoản chứng khoán của 19 nhà đầu tư vẫn bị “treo”.
Ông Trần Quốc Việt (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ông mở tài khoản tại TAS từ năm 2008. Quá trình giao dịch chứng khoán diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, đến năm 2010, TAS mời ông ra đối chiếu giao dịch mua bán thì tài khoản phát sinh khoản nợ vay trên 7 tỷ đồng. Ông đã có đơn thư khiếu kiện bởi số liệu do TAS cung cấp không đúng, nhiều mã cổ phiếu và số lượng cổ phiếu không đúng với các giao dịch của ông.
Chẳng hạn, với mã cổ phiếu D2D, ông Việt chỉ mua 200.000 cổ phiếu, nhưng số liệu của TAS là 250.000 cổ phiếu...
Sau này, khi cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, ông Việt mới biết tài khoản của mình bị cầm cố cho ngân hàng, cho dù ông không hề ký các giấy tờ cầm cố, vay mượn.
“Cơ quan điều tra yêu cầu giám định và xác định các chữ ký là ký giả, không phải do tôi ký. Vì vậy, tôi đã nhiều lần yêu cầu trả lại tài sản hợp pháp cho tôi, nhưng đến nay tài khoản vẫn bị phong tỏa theo lệnh của cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong khi đó, vụ án kéo dài nhiều năm, không biết khi nào mới kết thúc và nhà đầu tư chúng tôi không biết khi nào mới lấy lại được tài sản”, ông Việt ngao ngán.
Tương tự, chị Trần Ngọc Hoa, một trong 19 nhà đầu tư bị cầm cố tài khoản cho biết, chị có mở tài khoản tại TAS và giao dịch bình thường, đến năm 2010 cũng bất ngờ nhận được khoản nợ hơn 5 tỷ đồng từ "trên trời rơi xuống", sau đó mới phát hiện TAS lấy tài khoản của chị để cầm cố ngân hàng.
“Việc TAS hay ngân hàng làm sai đã có cơ quan pháp luật xử lý. Tuy nhiên, tài khoản tại TAS là tài sản hợp pháp của tôi, tôi cũng không ký giấy tờ cầm cố, giờ bị phong tỏa với lý do làm vật chứng và không cho giao dịch là không hợp lý. Tôi đã nhiều lần yêu cầu trả lại tài khoản nhưng chưa được giải quyết”, chị Hòa bức xúc.
Được biết, tài khoản của chị Hoa có lượng lớn mã chứng khoán D2D (khoảng 145.000 cổ phiếu), với giá thị trường hiện giao dịch quanh mức 70.000 đồng/cổ phiếu, số chứng khoán này của chị Hoa trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Theo chị Hoa, thị trường biến động liên tục, việc chậm trễ giải quyết tài khoản khiến chị không thể bán được cổ phiếu với giá tốt. Bản thân chị lo ngại nếu thời gian xử án tiếp tục kéo dài, thị trường xấu đi có thể làm giá cổ phiếu đi xuống, gây thiệt hại lớn.
Khác với trường hợp của chị Hoa và ông Việt, một nhà đầu tư đã bị TAS bán toàn bộ chứng khoán trước khi vụ án được khởi tố. Ngay cả khi vụ án được giải quyết và tài khoản được trả lại thì ông gần như không có hy vọng lấy lại được tài sản, bởi TAS hiện giờ không còn hoạt động và cũng không còn tài sản.