Các bị cáo hầu tòa hồi tháng 5/2021.

Các bị cáo hầu tòa hồi tháng 5/2021.

Vụ buôn lậu tại Nhật Cường: 11 bị cáo đồng loạt kháng cáo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau gần 1 tháng tuyên án, đến nay, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 11/13 bị cáo trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường.

Có 7 bị cáo làm việc tại Công ty Nhật Cường kháng án gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc tài chính), Trần Ngọc Ánh (SN 1974, Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Quốc Huy (SN 1983, Giám đốc bán hàng), Nông Văn Lư (SN 1985, nhân viên), Hoàng Văn Phong (SN 1990, Trưởng ngành hàng Apple), Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1972, Kế toán trưởng); Lê Hoài Phương (SN 1987, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc);

4 bị cáo còn lại thuộc đường dây vận chuyển hàng lậu gồm Nguyễn Bảo Trung (SN1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội); Ngô Đức Tùng (SN 1991, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội); Phạm Văn Hiệp (SN1970, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng); Ngô Tuấn Sửu (SN 1976, Giám đốc CTCP đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn).

Trước đó, hồi tháng 5/2021, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Ngọc mức án 10 năm tù về tội “Buôn lậu”, 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là 14 năm tù. Bị cáo Trần Ngọc Ánh lĩnh án 13 năm tù về tội Buôn lậu. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 3 năm 6 tháng tù – 9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, 13 bị cáo bị buộc tội “Buôn lậu” trong vụ án còn phải liên đới nộp khoản tiền thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trần Ngọc Ánh phải nộp gần 70 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 40 tỷ đồng…

Sau đó, 11 bị cáo trên đã kháng án, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả.

Trong đơn, bị cáo Trần Ngọc Ánh cho rằng mức hình phạt 13 năm tù là quá cao. Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo, khách quan hết các yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Mặc khác, bị cáo cho rằng chỉ là người làm thuê, hưởng lương cố định, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường. Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo là lao động duy nhất trong gia đình, vợ không có việc làm, con còn nhỏ…

Bị cáo Ngọc cũng cho rằng mức hình phạt 14 năm tù là quá cao, xin giảm nhẹ hình phạt ở tội Buôn lậu và xem xét lại tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, xem xét miễn trách nhiệm nộp tiền.

Bị cáo Ngọc phân trần, bị cáo không quản lý hàng hóa mua vào, bán ra, không thực hiện các giao dịch mua bán với các nhà cung cấp và nhà vận chuyển, bị cáo chỉ phụ trách lĩnh vực thanh toán tiền mua hàng. Tại Công ty Nhật Cường, bị cáo chỉ được giao phụ trách tài chính, quản lý thu tiền và chi tiền cho công ty, không quản lý hoạt động kinh doanh, không phụ trách hệ thống sổ sách kế toán của công ty, mà việc này là do bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng quản lý. Các báo cáo tài chính, báo cáo thuế đều do bị cáo Hằng phụ trách thực hiện và gửi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bị cáo Ngọc cho rắng, kế toán và tài chính là 2 mảng tách riêng, độc lập tại Công ty Nhật Cường, chỉ có Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là người duy nhất có quyền tác động, quyết định đến các số liệu kế toán, tài chính, kinh doanh, bị cáo Ngọc và các bộ phận khác không có quyền tác động đến số liệu kế toán và ngược lại…

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, dưới sự chỉ đạo của Bùi Quang Huy, các bị cáo đã tổ chức, tham gia đường dây nhập lậu hơn 255.000 điện thoại và sản phẩm công nghệ khác từ 16 nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số hàng lậu đã giao dịch có giá trị trên 2.900 tỷ đồng, thu lời hơn 221 tỷ đồng.

Để che giấu doanh thu, Bùi Quang Huy chỉ đạo Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Bảo Ngọc và nhân viên Công ty Nhật Cường sử dụng, ghi chép số liệu về việc buôn lậu trên 2 hệ thống phần mềm kế toán nhằm trốn thuế. Hai bị cáo Ngọc và Hằng biết rõ công ty có doanh thu thực tế bao nhiêu và đã nộp bao nhiêu tiền thuế.

Hành vi trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Tin bài liên quan