khu dất 43 ha giờ là dự án Khu đô thị Tân Phú
Ba lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt là các ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT PROTRADE, ông Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc PROTRADE và ông Huỳnh Thanh Hải, nguyên Phó tổng giám đốc PROTRADE, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (100% vốn thuộc Tỉnh ủy Bình Dương).
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, các cá nhân trên có vi phạm khi chuyển nhượng đất, vốn góp liên quan 43 ha tại Thành phố mới Bình Dương từng do PROTRADE quản lý, nay đã có tên gọi dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) phân phối.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Dương vào cuộc và xác định có dấu hiệu sai phạm hình sự. Bởi vượt quá thẩm quyền chức năng, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị và tỉnh quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ việc.
Sau khi vụ việc lùm xùm, cuối năm 2019, ông Nguyễn Văn Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PROTRADE kể từ ngày 1/12/2019 với lý do "tuổi cao, sức khỏe kém nên không thể tiếp tục thực hiện được trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị tại công ty".
Ngày 29/11, HĐQT PROTRADE đã tổ chức phiên họp lần thứ 8 nhiệm kỳ 2018-2022, thông qua quyết định không phê duyệt đơn từ nhiệm ngày 21/11 của ông Nguyễn Văn Minh. Đồng thời, HĐQT yêu cầu ông Minh tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT PROTRADE nhiệm kỳ 2018-2022 và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Tuyệt chiêu hô biến 43 ha đất vàng
Ở vụ việc này, Báo Đầu tư đã tìm hiểu và phát hiện, ngày 1/7/2010, PROTRADE bắt tay Công ty Âu Lạc bằng hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Liên doanh Công ty Tân Phú). Trong đó, PROTRADE góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ; Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Sau đó, Liên doanh Công ty Tân Phú sẽ đầu tư xây dựng dự án theo phương thức “lời ăn, lỗ chịu” chia theo tỷ lệ góp vốn giữa các bên.
“Tiền trảm, hậu tấu”, tới ngày 21/7/2010, PROTRADE mới gửi công văn tới Tỉnh ủy Bình Dương xin được hợp tác với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha nêu trên. Trong công văn này, PROTRADE không đề cập việc góp vốn bằng đất, mà khẳng định: số tiền góp vào vốn điều lệ của liên doanh tối đa 60 tỷ đồng và tỷ lệ chiếm giữ trong vốn điều lệ của liên doanh tối đa là 30%.
Gần 1 tháng sau, ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản số 1830, đồng ý chủ trương cho PROTRADE góp vốn chiếm 30% vốn điều lệ tại liên doanh.
Ngày 27/10/2010, PROTRADE ký lệnh chi chuyển 1 tỷ đồng cho liên doanh. Gần 7 năm sau, tháng 1/2017, PROTRADE ký tiếp 2 ủy nhiệm chi, xuất tổng cộng hơn 58 tỷ đồng từ chính tài khoản đứng tên PROTRADE tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Dương sang cho Liên doanh Công ty Tân Phú, nội dung ghi rõ “chuyển tiền góp vốn”.
Như vậy, tất cả chứng lý trên thể hiện, PROTRADE góp vốn bằng “tiền tươi, thóc thật”, chứ không phải bằng 43 ha đất công.
Khu đất công 43 ha tại Thành phố mới Bình Dương của PROTRADE hiện thành Dự án Khu đô thị Tân Phú.
Sau khi đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ, Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất..., ngày 30/11/2016, PROTRADE họp Hội đồng Thành viên, thống nhất bán đứt quyền sử dụng 43 ha đất cho Liên doanh Công ty Tân Phú.
Tới tháng 12/2016, PROTRADE ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho Liên doanh Công ty Tân Phú với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng.
Đáng nói là, tại thời điểm này, PROTRADE vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tức quyền định đoạt 43 ha trên thuộc về Tỉnh ủy Bình Dương, chứ không phải doanh nghiệp.
Chưa kể, theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thì đối với 43 ha đất trên, PROTRADE phải bán đấu giá, chứ không thể bán mà không qua bất kỳ một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào.
Chuyển nhượng luôn 30% vốn góp
Bán đứt 43 ha đất từ năm 2016 và dù trên giấy tờ mua bán ghi rõ “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, nhưng tới tháng 3/2017, trong văn bản đề nghị Tỉnh ủy Bình Dương cho chuyển nhượng phần vốn góp 30% cho Công ty Âu Lạc, PROTRADE lại nói: chỉ “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.
Còn việc xin thoái 30% vốn góp, PROTRADE lý giải là để Công ty Âu Lạc (cùng góp vốn lập ra Liên doanh Công ty Tân Phú) được sở hữu 100% dự án thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả; còn PROTRADE sẽ có vốn để tập trung đầu tư những dự án lớn khác đang triển khai.
Tháng 4/2017, ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã ký Thông báo số 287, trong đó thể hiện rõ: Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho PROTRADE chuyển nhượng 30% vốn góp.
4 tháng sau, tháng 8/2017, PROTRADE chuyển nhượng luôn 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỷ đồng, giúp công ty này thâu tóm toàn bộ, toàn quyền định đoạt 43 ha công sản.
Ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 512 khẳng định: chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy chỉ cho PROTRADE góp 30% vốn bằng tiền, nhưng Công ty lại góp bằng đất, nên Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Liên doanh Công ty Tân Phú để làm rõ.
Trong giải trình vào cuối tháng 10/2018, PROTRADE cho rằng, tiền đền bù khu đất hình thành từ vốn vay, liên doanh, liên kết, chứ không phải từ ngân sách, nên việc được bán 43 ha đất là đúng chủ trương. PROTRADE chỉ có khuyết điểm là làm các thủ tục giao đất, chuyển giao cho công ty liên doanh chậm, do tình hình bất động sản chưa thuận lợi.
Nhưng, PROTRADE quên mất rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ghi rõ: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”. Như vậy, khu đất 43 ha nêu trên là tài sản của Nhà nước, không phụ thuộc nó được hình thành từ vốn tự có hay vốn huy động.