Vụ án "tiến sĩ dạy học làm giàu": Điểm tên doanh nghiệp liên quan

Vụ án "tiến sĩ dạy học làm giàu": Điểm tên doanh nghiệp liên quan

(ĐTCK) Phạm Thanh Hải, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế - IDT đã rót vốn hàng trăm tỷ đồng vào 12 pháp nhân

Trong đó, có những khoản giao dịch cá nhân với các lãnh đạo doanh nghiệp với số tiền đặc biệt lớn như bà Phan Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Khu phức hợp giải trí Khang Thông, ông nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng công nghệ cao Việt Nam…

Vụ án Phạm Thanh Hải (SN 1966, tiến sĩ vật lý, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường bởi số tiền huy động vốn lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Nguồn tiền lớn được sử dụng ra sao, đi về đâu và có thực sự tạo lợi nhuận là những câu hỏi nhà đầu tư đặc biệt chú ý.

Cuối tháng 10/2015, thông tin về việc bắt giữ lãnh đạo IDT bắt đầu xuất hiện. Khi đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án Kinh doanh trái phép vì IDT không có chức năng huy động vốn.

Vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm vụ án Phạm Thanh Hải (SN 1966, tiến sĩ vật lý, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT) để điều tra lại số lượng bị hại, số tiền thiệt hại và xem xét vai trò của đồng phạm.   

Sau khi xác minh, làm rõ, cơ quan điều tra quyết định chuyển sang khởi tố Phạm Thanh Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các dấu hiệu như gian dối giới thiệu IDT đầu tư vào các dự án lớn, huy động vốn với tư cách cá nhân, cam kết trả lãi suất cao 40 - 50%/tháng, cắt lãi ngay khi nộp tiền, chi thưởng kết nối…

Theo tài liệu vụ án, trong vòng 1 năm (từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015), Phạm Thanh Hải đã huy động tổng số tiền 2.725 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Trong đó, có 114,4 tỷ đồng Phạm Thanh Hải đã sử dụng để rót vốn vào 12 pháp nhân, gồm những doanh nghiệp trẻ, mới thành lập như Công ty cổ phần Đi siêu thị, Công ty cổ phần Xây dựng HC - phát triển công nghệ Smart Parking, Công ty cổ phần Giáo dục và đầu tư VSK Group, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ bất động sản Đỉnh cao mới…

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp sở hữu những dự án lớn giai đoạn này cũng nhận vốn đầu tư từ Phạm Thanh Hải như Tập đoàn Khang Thông, Công ty Xây dựng công nghệ cao Việt Nam - VITC, Công ty cổ phần Reenco Hòa Bình… Trong đó, đáng kể nhất là những giao dịch có liên quan đến Tập đoàn Khang Thông, do bà Phan Thị Phương Thảo là Tổng giám đốc, cũng là chủ đầu tư Dự án Happyland (Long An).

Theo bản án sơ thẩm, bà Thảo có trách nhiệm hoàn trả cho Phạm Thanh Hải số tiền 88,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật sư Lê Xuân Thức, bào chữa cho Phạm Thanh Hải cho rằng, trong hồ sơ vụ án có tài liệu thể hiện giữa Phạm Thanh Hải và bà Thảo có số tiền vay là 267,7 tỷ đồng.

Để đảm bảo khoản vay trên, bà Thảo có hợp đồng cầm cố cổ phiếu và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích là hơn 49.000 m2 giữa Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (thuộc Tập đoàn Khang Thông) với Phạm Thanh Hải. Số tiền này là tiền Phạm Thanh Hải đầu tư vào Công ty Phú An. Bản án sơ thẩm chỉ công nhận 88 tỷ đồng với hình thức cho vay là không đúng bản chất sự việc.

Sự thật khoản vay trên ra sao đến nay vẫn chưa được làm rõ do quá trình tố tụng cấp sơ thẩm chưa triệu tập bà Thảo tham gia với tư cách người có quyền lợi liên quan. Còn theo tìm hiểu của phóng viên, sau một thời gian vướng nợ nần, Công ty Phú An bán đấu giá một số tài sản liên quan để trả nợ. Đến đầu năm 2019, doanh nghiệp này đã khởi động lại dự án Happy Land.

Về phía VITC, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp cho biết, Phạm Thanh Hải đã góp 50% vốn điều lệ vào VITC và Hợp tác xã Đầu tư xây dựng và khai thác quản lý chợ Cường Phát (chủ đầu tư Dự án Chợ Phố mới Lào Cai) số tiền 30 tỷ đồng. Khi Chợ Phố mới hoàn thành, doanh nghiệp sẽ mở bán ki ốt và các phần của chợ dự tính thu về số tiền lãi 1.600 tỷ đồng. Cũng theo bản án sơ thẩm, đây là khoản tiền vay cá nhân và tòa tuyên buộc ông Cường có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền trên.

Ngoài ra, theo tài liệu, Phạm Thanh Hải đã đầu tư cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên vào các doanh nghiệp khác như Công ty Quản lý quỹ Bông Sen (14,7 tỷ đồng), Công ty Reenco Hòa Bình 18,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Maccadamia quốc tế 19,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư kết nối doanh nhân và tầm nhìn thế giới 5,4 tỷ đồng…

Một số luật sư còn cho rằng, giai đoạn từ năm 2008 - 2014, Phạm Thanh Hải đã góp vốn vào 16 doanh nghiệp với số tiền 354,3 tỷ đồng. Sau tháng 10/2014, bị cáo tiếp tục bổ sung vốn vào một số công ty là 152,6 tỷ đồng (số liệu cơ quan điều tra là 133,6 tỷ đồng). Đây là chuỗi huy động vốn và đầu tư diễn ra liên tục nhưng cơ quan tố tụng chỉ xem xét số tiền bổ sung sau, còn số tiền đầu tư trước tháng 10/2014 lại tách ra và không xem xét. Việc loại bỏ chứng cứ này có thể làm sai lệch nội dung vụ án.

Tin bài liên quan