Vụ án Ngân hàng Đông Á giai đoạn 2: Truy nã Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối tháng 9/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã với Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) và Nguyễn Ngọc Minh bị truy nã.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) và Nguyễn Ngọc Minh bị truy nã.

Theo đó, bị can Nguyễn Thiện Nhân (SN 1962, ở Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh) bị truy nã theo Quyết định số 09/QĐ-CSKT-P10 với tội danh Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước khi bỏ trốn, ông Nhân ở căn hộ tại Chung cư The Manor, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Cùng với tội danh trên, bị can Nguyễn Ngọc Minh (SN 1968, ở Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh Đà Lạt) bị truy nã theo Quyết định số 10/QĐ-CSKT-P10.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu), địa chỉ: Số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Điện thoại liên hệ: 069.2322621.

Trước đó, vào đầu năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) và 11 bị can trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại ngân hàng này.

Theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình và các đồng phạm có hành vi cho Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh vay tiền trái phép.

Cụ thể, vào ngày 8/12/2007, Công ty cổ phần Vốn Thái Thịnh (viết tắt là TTC) ký hợp đồng nhận đầu tư 100 triệu USD của VinaCapital, thời hạn 12 tháng để mua cổ phần hoặc vốn góp tại các công ty mục tiêu (gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhật Quang, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên, Công ty TNHH Hiệp Phú Gia…).

TTC cầm cố toàn bộ cổ phần, vốn góp của TTC tại các công ty mục tiêu cho DAB.

DAB ký hợp đồng ủy thác và quản lý tài khoản với VinaCapital bảo đảm cho TTC về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng khi chấm dứt hợp đồng.

Đến năm 2008, VinaCapital không gia hạn hợp đồng và yêu cầu TTC hoàn trả 100 triệu USD.

Do các dự án mà TTC đã đầu tư bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho VinaCapital, để tránh VinaCapital khởi kiện TTC và DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên tại DAB cho các công ty và cá nhân vay 11 khoản, tổng số 1.820 tỷ đồng và xuất quỹ chi hơn 77 tỷ đồng để sử dụng mua lại 5 tài sản của Nhóm TTC.

Mục đích là để DAB quản lý tài sản, thu hồi số tiền DAB cho TTC vay và để TTC trả nợ cho VinaCapital.

Trong khoảng thời gian từ ngày 28/1/2008 đến ngày 6/12/2010, Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo DAB cho Nhóm TTC vay 4 khoản với tổng số 904 tỷ đồng để TTC sử dụng hoàn trả cho VinaCapital và để TTC sử dụng cho mục đích khác.

Đến hạn thanh toán, do Nhóm TTC không có khả năng trả nợ cho DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo DAB cho Nhóm TTC vay tiền để đảo nợ, lập hợp đồng vay với mục đích vay khống, nâng khống tài sản bảo đảm...

Tính đến ngày 24/12/2018, Nhóm TTC còn dư nợ 6 khoản vay với tổng số tiền hơn 3.139 tỷ đồng; thuộc nợ nhóm 5, khách hàng không có khả năng trả nợ.

Tin bài liên quan