Xuất hiện tình tiết mới
Cuối năm 2012, thông tin rậm rịch bắt giữ ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn VinaMegastar thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Khi đó, chủ nợ Ngân hàng tố cáo ông Long và các công ty “con” của VinaMegastar tự ý bán hơn 5.102 kg sắt thép thành phẩm (là tài sản đảm bảo) có trị giá 82,5 tỷ đồng, song không trả tiền vay ngân hàng.
Con số thiệt hại theo kết quả điều tra ban đầu là 29,59 tỷ đồng. Đến bản cáo trạng mới nhất (ngày 12/9/2016), con số này giảm còn 18,2 tỷ đồng và đến nay chưa dừng lại. Trong hoạt động tố tụng, việc chứng minh và xác định thiệt hại là rất quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ hành vi và điều khoản áp dụng đối với tất cả các bị cáo.
Trong vụ án này, cựu Chủ tịch VinaMegastar bị cáo buộc “móc nối” với 6 giám đốc công ty “con” và thông đồng với giám đốc chi nhánh của ngân hàng chủ nợ lập các hợp đồng mua bán sắt thép khống để chiếm đoạt tiền ngân hàng từ năm 2010 - 2011.
Năm 2015, vụ án được đưa ra xét xử, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Long) đề nghị thu thập 2 hợp đồng thế chấp. Kết quả điều tra bổ sung làm rõ các hợp đồng này có tài sản đảm bảo thật.
Đó là các hợp đồng tín dụng ngắn hạn do bà Nguyễn Thị Sở (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bắc Việt) và Nguyễn Thanh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Megastar thương mại) ký kết với ngân hàng, trị giá hơn 8 tỷ đồng). Trước khi món vay hết hạn, Nguyễn Hoàng Long đã bổ sung quyền đối với vốn góp của CTCP Bất động sản Megastar. Tài sản được đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản Hà Nội. Còn một hợp đồng khác (3,1 tỷ đồng), Công ty Bắc Việt đã trả nợ và lãi đầy đủ.
Do không xác định được ý thức chiếm đoạt, cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với 3 bị can gồm Nguyễn Thị Sở, Nguyễn Thanh Hoa và một cán bộ ngân hàng. So với cáo trạng cũ, số lượng bị cáo bị truy tố đồng phạm với Nguyễn Hoàng Long còn lại 9 bị cáo (trước đó là 12 bị cáo).
Tại phiên tòa ngày 4/11/2016, luật sư Hoàng Văn Hướng tiếp tục xuất trình chứng cứ chứng minh 2 hợp đồng tín dụng khác (khoản vay 2,2 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng) cũng có tài sản đảm bảo. Ngân hàng xác định không quản lý tài liệu này.
Các luật sư dẫn chứng, việc tra cứu được thực hiện dễ dàng trên cổng điện tử của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp). Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, tình tiết mới này không làm thay đổi bản chất hành vi của các bị cáo, nhưng suy diễn theo hướng cần xem xét với tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để đánh giá, làm rõ các hợp đồng thế chấp này.
Hợp đồng khống do giám đốc ngân hàng tư vấn?
Nhiều lời khai của các bị cáo đã nói lên sai phạm, trách nhiệm của giám đốc chi nhánh ngân hàng chủ nợ (đang bỏ trốn), vào thời điểm đó, là người thường xuyên làm việc với Nguyễn Hoàng Long.
“Anh Long là lãnh đạo công ty lớn nên việc bị cáo có thể hỏi hay bàn bạc là rất khó. VinaMegastar được đánh giá là khách hàng chiến lược. Bị cáo nhiều lần đề xuất kiểm tra nhưng cấp trên nói không cần thiết vì là khách hàng cấp trên đưa về”, một bị cáo khai nhận.
Một cấp phó của giám đốc chi nhánh ngân hàng chủ nợ cũng khai nhận chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc chi nhánh và không biết là hợp đồng khống.
“Nếu giám đốc chi nhánh ở cơ quan, bị cáo không có quyền ký vào các hợp đồng đó. Giờ nghĩ lại những lần bị cáo ký, giám đốc chi nhánh đều vắng mặt tại cơ quan”, bị cáo này bị cáo buộc ký duyệt 1 hợp đồng tín dụng và ký các thủ tục thế chấp không có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch HĐQT của VinaMegastar không nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo khai nhận, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng là người tư vấn làm các hợp đồng mua bán sắt thép, hợp đồng tín dụng.
“Số tiền vay sau đó lại trả lại ngân hàng, chỉ duy nhất có một khoản 7 tỷ đồng bị cáo đầu tư vào công ty. Mục đích của ngân hàng làm giảm nợ xấu, còn công ty xin giãn thời gian trả nợ”, bị cáo Long nói.