VST lỗ 37 tỷ đồng trong quý I/2014

VST lỗ 37 tỷ đồng trong quý I/2014

(ĐTCK) Quý I/2014, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đạt doanh thu bán hàng hợp nhất 366 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch năm, nhưng với giá vốn hàng bán là 375 tỷ đồng nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lỗ 37 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 60 tỷ đồng).

ĐHCĐ VST vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 1.305 tỷ đồng, lợi nhuận âm 179 tỷ đồng. Nếu “đạt” kế hoạch, VST sẽ lỗ liên tiếp trong 3 năm. Năm 2012, lỗ gần 125 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gần 225 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Công ty âm gần 300 tỷ đồng. Cổ phiếu VST đã bị đưa vào diện cảnh báo và có nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát.

Theo đại diện VST, trong 5 năm gần đây, thị trường vận tải biển rất khó khăn, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này hầu hết đều thua lỗ, có DN âm vốn chủ sở hữu, ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Năm nay, VST không có kế hoạch đầu tư dự án nào ngoài việc hoàn thiện Dự án ERP và hệ thống phần mềm cho đội tàu, nâng cấp hệ thống tổng đài với tổng giá trị 209 triệu đồng. VST dự kiến, bán hai tàu là Viễn Đông 3 và VTC Sky để cải thiện tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, tàu Viễn Đông 3 liên tục thua lỗ, trung bình mỗi năm lỗ 7,8 tỷ đồng, còn tàu VTC Sky lỗ 9,5 tỷ đồng/năm.

Về mảng khai thác, VST dự kiến ký hợp đồng một số chuyến hàng theo phương thức định hạn nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, Công ty khai thác thêm các tuyến ngắn, hạn chế chạy tuyến xa nhằm giảm chi phí nhiên liệu cũng như áp lực trả nợ các nhà cung cấp. Cùng với đó, Công ty thông qua các đại lý, nhà môi giới để cập nhật, đánh giá lại năng lực các cảng mà tàu của VST có kế hoạch đến làm hàng trước khi ký hợp đồng vận chuyển, nhằm tránh tình trạng tàu phải nằm chờ hàng, chờ bến… Tận dụng cơ hội thị trường cước thấp để thuê tàu trần hoạt động nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực có sẵn.

Cuối năm 2013, VST ghi nhận thiếu chi phí lãi vay gần 120 tỷ đồng và chi phí khấu hao tài sản cố định 8,7 tỷ đồng. Nhưng do các ngân hàng đã đồng ý cho VST giãn nợ đến hết năm 2015, kéo dài thời gian trả nợ từ 1 - 4 năm tùy từng dự án, do đó Công ty tạm chưa trích phần lãi vay phải trả và sẽ tiến hành phân bổ trong giai đoạn 2016 - 2023. Tại thời điểm 31/12/2013, tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn, dài hạn của VST lên tới gần 2.090 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản.

Tin bài liên quan