Theo VSSA, niên vụ 2017/2018, sản lượng mía cả nước đạt 15,6 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1,47 triệu tấn, trong đó sản lượng đường tinh luyện chiếm khoảng 50%. Giá bán buôn đường trên thị trường hiện nay từ 10.500 – 11.100 đồng/kg (đường kính trắng).
Đây là giá thấp nhất kể từ tháng 1/2015 đến nay. Trong khi đó, lượng đường tồn kho vẫn còn trên 620.000 tấn, một số nhà máy do chưa bán được hàng, còn nợ tiền mía của nông dân hàng trăm tỷ đồng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp mía đường giảm bớt khó khăn, tiêu thụ hết lượng đường còn lại, Hiệp hội Mía đường đề nghị các đơn vị chức năng xem xét, quyết định việc nhập khẩu đường hạn ngạch thuế quan năm 2018 theo hướng: nhập khẩu 100% là đường thô trong tổng số 94.000 tấn đường hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2018 hoặc nhập khẩu 70% là đường thô và 30% là đường tinh luyện trong tổng số 94.000 tấn đường hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2018.
Trước đó, nhằm cứu nguy cho ngành mía đường, VSSA cũng có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị được áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng.
Hiệp hội cho rằng, để cạnh tranh được với mặt hàng đường nhập khẩu, ngoài sự nỗ lực của ngành mía đường, rất cần sự hỗ trợ, can thiệp của Chính phủ về việc điều chỉnh áp dụng chính sách ưu đãi thuế bình đẳng giữa mặt hàng đường mía với đường.
Tính đến tháng 7 vừa qua, lượng đường tồn kho tại các nhà máy vào khoảng 700.000 tấn. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, lượng đường tồn trong kho của các doanh nghiệp cao mức khủng như vậy.
Do việc tồn kho lớn chưa tiêu thụ được cộng với hạn mức tín dụng tại các ngân hàng đã hết nên nhiều nhà máy đang nợ tiền mía của nông dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, công ty đường Cần Thơ đang nợ người nông dân khoảng 110 tỷ đồng, Công ty đường Trà Vinh nợ 70 tỷ đồng, Công ty đường Sóc Trăng nợ 100 tỷ đồng.
Nợ khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp như Nhà máy mía đường Bình Định đã phải trả tiền mía cho nông dân bằng… đường. Những ngày qua, một số nông dân đã kéo đến nhà máy để đòi tiền thanh toán mía, khiến cho bối cảnh thị trường vô cùng căng thẳng.
Thống kê của VSSA cho thấy, cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày nằm tại 25 tỉnh thành. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn.
Một nhà máy đã dừng hoạt động từ cuối năm 2017. 21 nhà máy còn lại thì đều thuộc những công ty có nhà máy lạc hậu, cũ kỹ và thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.
Theo VSSA, Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Trong đó, khoảng 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn sẽ bị tác động nặng nề nhất và khả năng cao sẽ phải đóng cửa do thua lỗ.
Điều này nhìn trước được là sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến. Ước tổng số tiền thiệt hại do tác động dẫn đến thua lỗ, phá sản cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo VSSA, sau khi các nhà máy dừng hoạt động, vùng trồng mía cũng rất khó có thể tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập, đời sống người dân mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn trong vùng.