Vốn tối thiểu 30 tỷ đồng, doanh nghiệp mới được phát hành ra công chúng

Vốn tối thiểu 30 tỷ đồng, doanh nghiệp mới được phát hành ra công chúng

(ĐTCK) Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/8/2019 cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã thống nhất quan điểm để doanh nghiệp (DN) được chào bán chứng khoán ra công chúng, điều kiện tối thiểu là phải có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong quá trình tham vấn các ý kiến sửa Luật, có ý kiến đề nghị giữ như hiện nay, vốn điều lệ của DN ở mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng để tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ủy ban ủng hộ việc nâng điều kiện về vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán.

Liên quan đến vấn đề lỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều được nhiều thành viên thị trường chờ đợi nhất, nhưng ông Thanh cho biết, Ủy ban ủng hộ quy định như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung dự án Luật Chứng khoán (Ðiều 51).

Theo Ðiều 51 thì:

1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK Việt Nam phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Ông Thanh chia sẻ, Ủy ban ghi nhận được nhiều ý kiến về room. Một số ý kiến đề nghị làm rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và những biện pháp kỹ thuật để quản lý tỷ lệ này trong giao dịch trên TTCK. Có ý kiến khác cho rằng, không nên can thiệp sâu vào tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp mà vấn đề này cần căn cứ vào các luật liên quan, các điều kiện đặc thù kinh doanh, tương thích với luật chuyên ngành và chủ sở hữu nên là người quyết định sẽ phù hợp hơn.

Cũng có ý kiến đề nghị để tương thích với xu thế mở cửa về đầu tư theo các hiệp định cam kết tới đây, cần xem xét quy định cho phép có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện mà chưa có quy định về sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, do Luật Ðầu tư hiện hành và dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc quy định như Ðiều 51, tức là giao Chính phủ hướng dẫn về room. Dự án Luật Chứng khoán sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019, với thời hạn hiệu lực được đẩy lên từ 1/9/2020, thay vì 1/1/2021 như dự kiến ban đầu.                 

Tin bài liên quan