Vốn nhỏ, công ty chứng khoán nên lo M&A

Vốn nhỏ, công ty chứng khoán nên lo M&A

(ĐTCK) Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, sau 2 cuộc M&A CTCK thành công đầu tiên, sắp tới sẽ có 4 cuộc M&A nội khối, trong mục tiêu lành mạnh hóa tài chính, tạo sức mạnh mới cho CTCK đứng vững.

Đây là diễn biến phù hợp với chủ trương tái cấu trúc khối CTCK đã được Thủ tướng Chính phủ quy định từ năm 2012, tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020.

Từ 104 CTCK được cấp phép hoạt động, TTCK hiện còn 79 CTCK đang hoạt động, với tổng tài sản 74.734 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 41.621 tỷ đồng, theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội tính đến tháng 9/2015.

Tính trung bình, các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam có vốn chủ sở hữu khoảng 500 tỷ đồng/đơn vị. 500 tỷ đồng không phải là nhỏ nếu CTCK hoạt động theo các nghiệp vụ cơ bản (môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành…), nhưng con số này không đạt mức vốn tối thiểu để CTCK tham gia các không gian kinh doanh mới, như TTCK phái sinh tới đây.

Trong khi Top 10 CTCK lớn ngày càng mở rộng miếng bánh thị phần, thì có ngày càng nhiều CTCK nhỏ tiếp tục rơi vào khó khăn, hoạt động không hiệu quả hoặc thua lỗ. Nhiều CTCK có tên rất kêu như CTCK Việt, CTCK Đại Việt, CTCK Phố Wall, CTCK EuroCapital, Morgan Stanley Hướng Việt… tiếp tục chịu đựng kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý III/2015. Các CTCK nhỏ nên tiếp tục sống lay lắt và đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ hoạt động; tìm cửa giải thể, sáp nhập, hay “bán mình” cho chủ mới?

Quyết định con đường nào phụ thuộc vào các ông chủ đích thực của CTCK. Tuy nhiên, chia sẻ với nỗi trăn trở của khối CTCK nhỏ, lãnh đạo UBCK cho rằng, cách tốt nhất là nên thực hiện M&A. “Tiêu chuẩn pháp quy với khối CTCK sẽ ngày càng được nâng lên trong các văn bản pháp lý, để thực hiện mục tiêu nâng dần hình ảnh, sức cạnh tranh của TTCK Việt Nam”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK cho biết.

Một thông điệp khác được UBCK đưa ra là đã và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, giữ gìn tính liêm chính của thị trường. Nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, đối tượng dễ mắc sai phạm hơn thường là các CTCK nhỏ, bởi CTCK lớn có nhiều điều kiện để đầu tư hệ thống, quản trị, đầu tư nhân sự…, để giữ gìn sự an toàn.

Tiêu chuẩn mới nhà quản lý đặt ra với các CTCK sẽ không chỉ về vốn, mà còn về chất lượng nhân sự, hệ thống quản trị, công nghệ và các điều kiện hạ tầng khác, tạo áp lực cho các CTCK vươn lên, hoàn thiện mình. Trong chuyển động vươn lên của các CTCK lớn, khối CTCK nhỏ sẽ ngày càng lùi xa nhóm dẫn đầu. Nếu không tìm được thị trường ngách hoặc hướng đi riêng, thách thức để cạnh tranh trên cùng một mặt bằng với CTCK nhỏ sẽ ngày càng lớn.

M&A không phải là liệu pháp tạo ra giá trị mới, nhưng nó sẽ giúp giảm số lượng CTCK hiện có, đưa CTCK nhỏ về chung nhà với các CTCK vững hơn, để cùng bước tiếp trên thương trường.

Tin bài liên quan