Vốn Nhật Bản chảy mạnh vào các khu công nghiệp ở phía Nam

Vốn Nhật Bản chảy mạnh vào các khu công nghiệp ở phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Hiện là thời điểm thuận lợi để các KCN, các địa phương kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư, nhất là ở những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế ở khu vực phía Nam.

Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp vừa nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất tại tỉnh Đồng Nai, với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD. Dự án sẽ sản xuất các loại bao bì chất lượng cao, với quy mô 78.000 tấn/năm.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 253 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 4,87 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản liên tục đầu tư mới và tăng vốn mở rộng sản xuất tại Đồng Nai, với nhiều lĩnh vực hoạt động như sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Tại Bình Dương, Nhật Bản hiện dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này, với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD. Các dự án của Nhật Bản tại Bình Dương chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực, như sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chip điện tử; sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất sắt thép; các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.

Trong đó, một số dự án tiêu biểu của nhà đầu tư Nhật Bản như các dự án hạ tầng, đô thị, giao thông… của Tập đoàn Tokyu, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics, 450 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương, 95 triệu USD...

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) nhìn nhận, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất linh kiện, phụ kiện của chuỗi cung ứng gặp khó khăn, thì Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nên thu hút được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp Nhật Bản.

“Đây là cơ hội lớn để các khu công nghiệp (KCN), các địa phương ở Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư, nhất là ở những nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế”, đại diện của JCCH nói.

Nhằm đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, liên tiếp thời gian gần đây, các địa phương như Bình Dương, Bình Phước đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua hình thức hội thảo trực tuyến.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thông tin, tỉnh này đã có 13 KCN với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó có 11 KCN đã thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bình Phước đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương quy hoạch mở rộng 3 KCN và thành lập mới 4 KCN, nâng tổng số KCN của tỉnh lên 17 khu với tổng diện tích 10.000 ha.

Vài năm gần đây, Bình Phước đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Chúng tôi luôn đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư và mong muốn các tập đoàn lớn, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Bình Phước”, bà Hiền nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh này đang xây dựng Chương trình đột phá về hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Theo đó, Bình Dương tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận trong xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh nhánh N2 về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhánh phía Đông kết nối với TP.HCM...

Đối với các vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm như nhà xưởng cho thuê, khu nhà ở dành cho công nhân lao động, chính quyền tỉnh Bình Dương đã đưa ra những giải pháp thiết thực, như giao Becamex IDC xây dựng 200.000 m2 nhà xưởng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, đồng thời phát triển các khu phức hợp, như khu nhà ở, dịch vụ và KCN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và người lao động sinh sống.

Tin bài liên quan