Vốn ngoại vào Việt Nam: Thu hút dòng vốn dài hạn

Vốn ngoại vào Việt Nam: Thu hút dòng vốn dài hạn

(ĐTCK) 11 tháng đầu năm nay, đã có gần 31 tỷ USD được đổ vào Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong thời gian tới, song điều quan trọng là thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn.

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư năm 2019 cũng như trong trung hạn, ông Tetsu Funayama, Chủ tịch Mitsubishi Việt Nam cho biết sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.

"Ngoài dự định đầu tư phát triển các bệnh viện tại khu vực trung tâm cũng như địa phương theo hình thức hợp tác công tư (PPP), chúng tôi cũng có kế hoạch thành lập một liên doanh với Fast Retailing (một công ty thuộc Uniqlo) để mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại TP. HCM vào tháng 10/2019 và tiếp sau đó là Hà Nội, trong đó Mitsubishi Việt Nam sẽ nắm giữ 25% trong liên doanh", ông Funayama tiết lộ.

Trong các lĩnh vực khác, ông Funayama cho hay, Mitsubishi dự định tham gia đầu tư dự án Sân bay quốc tế Long Thành, các lĩnh vực cảng biển, giao thông đô thị và xăng dầu. Ngoài ra, khả năng đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm, dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và tài chính với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng được tính đến.

“Chúng tôi thực sự ấn tượng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các cơ hội sẽ mở ra khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các hiệp đinh thương mại tự do (FTA) khác sẽ được ký kết và thực thi, tạo đà cho tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, ông Tetsu Funayama nói.

Bình luận về những động thái trên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, đây là kết quả được trợ lực từ tác động của các FTA đã và đang chuẩn bị ký kết, giúp dung lượng thị trường được hưởng ưu đãi của Việt Nam tăng lên, từ đó kích thích nhà đầu tư nước ngoài rót thêm vốn vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được xem là yếu tố tạo sức đẩy dòng vốn FDI từ Trung Quốc và các thị trường khác sang Việt Nam. Đây là 2 yếu tố chính tác động tích cực tới thu hút FDI vào Việt Nam từ năm tới.  

Đồng quan điểm, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, với tâm lý tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI đã tăng tốc trong năm 2017 và tiếp tục tăng mạnh trong quý đầu năm nay. Ngoài đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh, khối ngoại còn đẩy mạnh hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, riêng trong quý I/2018, nhà đầu tư ngoại đã rót gần 650 triệu USD dưới hình thức đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần và góp vốn đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn nhận về xu hướng dòng vốn ngoại trong thời gian tới, TS. Trần Toàn Thắng tỏ ra khá thận trọng.

“Nhà đầu tư nước ngoài thường đi trước đón đầu xu thế. Chẳng hạn, giai đoạn 2013-2014, vốn FDI tăng mạnh nhất bởi đây là thời điểm TPP và sau này là CPTPP được đàm phán để tiến tới ký kết. Sau khi CPTPP được ký kết thì xu hướng sẽ giảm nếu không có động lực mới nào khác”, ông Thắng phân tích.

Theo ông Thắng, vấn đề hiện tại là làm sao thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn. Chính phủ thời gian qua đã phát đi thông điệp cam kết đổi mới, nhưng điều quan trọng là phải quyết liệt thực thi để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Với dòng vốn gián tiếp vào thị trường chứng khoán, TS. Thắng cho rằng, đầu tư tại Việt Nam mang lại lợi ích cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực, cho nên dòng vốn này sẽ tiếp tục được đổ vào thị trường trong thời gian tới.

Dù vậy, hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự trợ lực đối với VN-Index sau thời gian giảm mạnh vừa qua. Ngoài ra, những tồn tại trong định giá khi bán vốn nhà nước hay hạn chế tỷ lệ sở hữu (room) nhà đầu nước ngoài cũng được xem là những yếu tố ảnh hưởng tới dòng vốn này.

“Dòng vốn gián tiếp rất nhạy cảm với thông tin, nhất là trong bối cảnh khó lường của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi sự liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế còn chưa nhiều, sự tích cực của thị trường trong nước sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư ngoại hơn là các biến động từ bên ngoài. Do đó, rất cần các động thái cho thấy sự tiến triển rõ ràng từ các cơ quan thực thi...”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan