Vốn ngoại vào CTCK nên mở từ 1 - 100%

Vốn ngoại vào CTCK nên mở từ 1 - 100%

(ĐTCK) Việt Nam cần sớm sửa đổi quy định NĐT nước ngoài chỉ được phép sở hữu 49% hoặc 100% vốn tại CTCK, nếu muốn thu hút vốn ngoại đầu tư vào khối DN này.

ĐTCK trao đổi với ông Hiramoto Hiroshi, Tổng giám đốc CTCK Nhật Bản (JSI).

Quy định hiện hành cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu 49% hoặc 100% vốn tại CTCK Việt Nam. Theo ông, việc quy định cứng hai mô hình sở hữu này có ảnh hưởng gì đến dòng vốn ngoại đầu tư vào CTCK?

Đây thực sự là một trở ngại lớn. Thực tế cho thấy, một số CTCK có vốn đầu tư nước ngoài đang hợp tác với các đối tác Việt Nam khá thành công, tuy rằng chưa đạt được như mong đợi trong bối cảnh thị trường hiện tại. Sự hợp tác này là đôi bên cùng có lợi và nó thực sự hữu ích cho cả hai bên, cũng như giữa các bên trong các CTCK có vốn nước ngoài.

JSI là một ví dụ. CTCP Đầu tư và xuất nhập khẩu Viglacera (Viglacera Exim) dù không hoạt động trong ngành chứng khoán, nhưng đã hỗ trợ JSI rất nhiều trong quản lý với những kinh nghiệm và mối quan hệ của họ. Các đối tác Nhật Bản có thể không đạt được những kết quả như trong thời gian qua, nếu không có sự hỗ trợ này. Sự lựa chọn tốt nhất để JSI có thể mở rộng kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới là tăng phần vốn của bên nước ngoài (chưa thể và rất khó đạt ngay 100%) và giữ một phần cổ phần của phía Việt Nam như là một đối tác góp vốn. Điều này có thể tương tự một vài CTCK khác có vốn nước ngoài. Tôi cho rằng, đây sẽ là một mô hình lý tưởng mà Việt Nam có thể áp dụng.

Hình thức sở hữu nước ngoài tại CTCK Việt Nam nên được linh hoạt nhất có thể, không chỉ giới hạn ở vài mức từ 49% đến 100%. Nói cách khác, không nên có bất kỳ hạn chế nào về mô hình sở hữu của bên nước ngoài tại CTCK Việt Nam .

 

Trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam , Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất đa dạng hóa ngưỡng sở hữu cho NĐT nước ngoài. Theo ông, đa dạng hóa ngưỡng sở hữu có giúp thu hút vốn ngoại hiệu quả hơn cho khối CTCK?

Như đã đề cập, mức sở hữu của bên nước ngoài cần được linh hoạt nhất có thể. Nếu chỉ đa dạng hóa hình thức sở hữu theo kiểu tiếp tục định ra các mức sở hữu cứng như 65%, 75%, hay 80%..., thì thực sự là không đáp ứng được nhu cầu từ thị trường và trở nên vô nghĩa trong nỗ lực thu hút vốn ngoại vào CTCK. Lý do là bởi tỷ lệ sở hữu bao nhiêu là do nhu cầu hợp tác linh hoạt từ thị trường quyết định. Nếu chúng tôi được phép đề xuất mô hình sở hữu cho bên nước ngoài, thì nội dung sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg nên được điều chỉnh theo hướng: cho phép NĐT nước ngoài được chọn mô hình sở hữu từ 1% đến 100%.

 

Ngoài tháo gỡ cản trở trên, với NĐT Nhật Bản nói riêng, NĐT nước ngoài nói chung còn trông đợi phía Việt Nam có thêm những cải cách nào để sẵn sàng đầu tư vào CTCK, thưa ông?

So với các nước xung quanh, hệ thống TTCK tại Việt Nam hiện chưa có sức cạnh tranh cao. Một trong những hạn chế mà NĐT nước ngoài quan tâm là lưu chuyển tiền tệ còn có nhiều điểm chưa thuận lợi, trong khi lẽ ra phải dễ dàng hơn nữa nếu muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tôi vừa kết thúc chuyến khảo sát cơ hội đầu tư vào Lào, Thái Lan và Myanmar tuần trước và nhận thấy Myanmar đang có tiềm năng lớn. Nếu Việt Nam chậm chân trong thực hiện các bước cải cách, thì sẽ thua thiệt trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung, vốn đầu tư gián tiếp nói riêng.

 

Theo ông, việc đồng Yên xuống giá và có thể còn giảm nữa có kích thích NĐT Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam ?

Đồng Yên yếu không được coi là yếu tố thuận lợi để các DN Nhật Bản đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, không thể nói rằng, mức độ hiện tại của đồng Yên là quá yếu (tỷ giá USD/Yên hiện ở mức 99), bởi tỷ giá USD/Yên ở mức 100 là điểm cân bằng trong vòng 30 năm trở lại đây. Nhiều khả năng đồng Yên sẽ dao động nhẹ quanh ngưỡng 100 Yên/USD trong thời gian tới. Dẫu vậy, đang có xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản ra nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương hiện thực hóa các bước cải cách để thu hút hiệu quả làn sóng này, nếu không muốn chúng chảy vào các nước xung quanh.