Vốn ngoại vẫn khó vào thị trường chứng khoán

Vốn ngoại vẫn khó vào thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Ghi nhận ý kiến từ các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn gặp khó do những điểm nghẽn cũ nhưng đến nay chưa được tháo gỡ.

1 năm nhìn lại những kiến nghị

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm ngoái, một “món nợ” được giới đầu tư nước ngoài nêu ra và đề xuất cơ quan quản lý Việt Nam tháo gỡ là làm thông việc triển khai cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, đến nay “món nợ” đó vẫn còn và chắc chắn sẽ được nhắc đến tại kỳ VBF năm 2016 diễn ra vào đầu tuần này.

Thông điệp về một Chính phủ hành động đã tạo nguồn cảm hứng tích cực cho các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Một Chính phủ kiên quyết xử lý những điểm nghẽn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh, đồng thời lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền, vừa tạo sức ép, vừa tạo động lực mới cho nhiều chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý những điểm nghẽn chính sách, trong nhiều trường hợp không phải là câu chuyện dễ dàng.

Liên quan đến vấn đề nới room, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8/2016, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital dẫn câu chuyện thực tế: sau gần 1 năm Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room ra đời, TTCK mới chỉ có rất ít DN thực hiện nới room. Chưa đầy 10 DN nới room trên tổng số 700 DN niêm yết, nếu tính cả các DN trên sàn UPCoM là 1.000 DN trên sàn, cho thấy, chính sách nới room chưa đi vào thực tế như thông điệp và kỳ vọng Chính phủ đưa ra khi ban hành quy định này.

Lãnh đạo một CTCK lớn nhìn nhận, khách hàng bên công ty ông từng kỳ vọng nhiều vào làn sóng nới room của các DN niêm yết, nhưng thực tế, họ không được đáp ứng như mong đợi. “DN Việt Nam vẫn hầu hết công bố thông tin bằng tiếng Việt, việc nới room tiến hành quá nhỏ lẻ, khiến nhiều khách hàng của chúng tôi phàn nàn, họ không biết được DN nào nới room, nếu cứ làm đơn lẻ và theo cách để chính các DN định đoạt”, vị lãnh đạo trên nói.

Những DN nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, chẳng hạn FPT lại chưa thấy đâu kế hoạch nới room. Lâu dần, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy, những DN họ có nhu cầu đầu tư thì không nhiệt tâm nới room, trong khi phần nhiều các DN nới room lại không nằm trong tầm ngắm đầu tư của họ. Điều này khiến cho cơ chế nới room chưa tạo ra những bước chuyển biến về thu hút dòng vốn ngoại trên diện rộng như kỳ vọng của nhà quản lý lẫn các thành viên thị trường.

“Để phần nào khắc phục tình trạng trên, trước mắt trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoặc HNX, HOSE nên dành một không gian cập nhật chi tiết danh sách các DN nới room, với tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu, để giúp họ dễ theo dõi thông tin và tham gia thị trường…”, vị lãnh đạo đề xuất. Việc cập nhật thông tin cần bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Cùng với đó, nhà quản lý nên tìm kiếm giải pháp để đảm bảo tính khả thi, sớm buộc các DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, mà trước mắt có thể áp dụng đối với các DN trong VN30, HNX30, sau đó mở rộng diện DN phải tuân thủ. 

Lắng nghe dòng vốn ngoại

Cũng bình luận về dòng vốn ngoại, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho rằng, từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, xu hướng bán ròng liên tục của các nhà nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra trên TTCK Việt Nam, đặc biệt là bán ròng mạnh cổ phiếu VNM. Cùng lúc đó, việc nhà nước đẩy mạnh đưa các DN lớn dồn dập lên sàn, đã khiến giới đầu tư lo ngại rằng nguồn cung khổng lồ này sẽ gây thêm sức ép lên thị trường.

Cũng theo VPBS, hiện tại, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) của thi trường Việt Nam ở mức 16x, vẫn là khá hấp dẫn nhà đầu tư so với thị trường trong khu vực. Tuy vậy, quy mô thị trường hiện khá nhỏ là rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút vốn ngoại, Chính phủ cần có nhiều giải pháp. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết để tăng quy mô thị trường, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn để giảm sở hữu tại các DN, đồng thời cần có giải pháp mới, khơi thông vướng mắc nới room hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất, cùng với quá trình đưa cổ phiếu lên sàn, Nhà nước cần khẩn trương thoái vốn với tỷ lệ lớn, thậm chí thoái 100% tại các DN không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần. Sẽ rất khó hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nếu các DN tốt mà nhà nước chỉ bán ra thị trường 5-10% cổ phiếu. Nhà đầu tư ngoại không thể bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu USD đầu tư vào DN, nếu họ không nhìn thấy khả năng có thể trở thành cổ đông lớn, đủ sức giám sát và tham gia vào quá trình điều hành, thúc DN sinh lợi.        

Tin bài liên quan