Vốn ngoại tăng, tại sao có quỹ ngoại vẫn rút vốn khỏi chứng khoán Việt?

Vốn ngoại tăng, tại sao có quỹ ngoại vẫn rút vốn khỏi chứng khoán Việt?

(ĐTCK) Bình luận về việc đối tác Temasek Holdings thoái toàn bộ vốn khỏi quỹ Vietnam Infrastructure Limited (VNI), VinaCapital cho biết, một vài quỹ dừng hoạt động không nói lên xu hướng chung.
 

Cổ đông Singapore của VNI được thông báo đã rút toàn bộ vốn khỏi quỹ cơ sở hạ tầng VNI do VinaCapital quản lý từ tuần trước, theo thông báo của VinaCapital. Số vốn này tương đương khoảng 480 tỷ đồng tính theo giá chứng chỉ VNI tại thời điểm 30/5/2014.

Temasek không trả lời về nguyên nhân nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn khỏi VNI.

Kết quả hoạt động của VNI đã hồi phục trong 2 năm trở lại đây sau khi giảm mạnh trong 2 năm giai đoạn 2010-2011, mặc dù vẫn chưa về lại được mức cũ. Giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ của VNI đạt 0,61 USD tính đến 31/5/2014, so với mức đáy dưới 0,50 USD hồi đầu năm 2012 và so với 0,65 USD hồi giữa năm 2010.

VinaCapital không bình luận về việc rút vốn của Temasek, chỉ trả lời: “Temasek có những chiến lược riêng, tầm nhìn riêng và chúng tôi hoàn toàn tôn trọng đối tác của mình trong việc họ quyết định thoái vốn”.

Việc Temasek rút khỏi VNI tiếp nối cho một vài cuộc rút lui khác của nhà đầu tư châu Á trong một vài năm trở lại đây, sau 5 - 7 năm hoạt động kể từ thời bùng nổ quỹ đầu tư năm 2007 - 2008. Hai quỹ gốc Malaysia là Hong Leong Vietnam Fund (HLGVF) và Hong Leong Vietnam Strategic Fund (HVSF) từng có quy mô tổng cộng khoảng 700 tỷ đồng đã thông báo thanh lý vào đầu năm 2014. Khác với VNI, hai quỹ đầu tư này có kết quả tăng trưởng rất tốt - trong đó HLGVF đã tăng hơn 80% trong 6 năm kể từ khi thành lập, tuy nhiên vẫn phải đóng cửa do quy mô quỹ ngày càng nhỏ, không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Năm ngoái, nhà đầu tư Thái Lan Finansa Public Company Ltd. cũng đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam và không còn duy trì hai quỹ mở có tổng vốn 100 tỷ đồng, vì cả hai nguyên nhân là bản thân quỹ giảm giá trị tài sản và cả vì quy mô quỹ quá nhỏ. Đầu năm nay, Fullerton, công ty con của Temasek, cũng đã đóng cửa văn phòng đại diện duy nhất tại TP. HCM.

Tuy nhiên, “việc một vài đơn vị dừng hoạt động không nói lên xu hướng các nhà đầu tư châu Á rút vốn khỏi thị trường Việt Nam”, ông Andy Ho, Giám đốc hoạt động của VinaCapital nói. “Các quỹ đầu tư đã đi đến cuối vòng đời nhưng không đạt được kết quả khả quan sẽ phải dừng hoạt động, bán tài sản để hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhưng đồng thời sẽ có các quỹ đầu tư mới vào Việt Nam, ví dụ như GIC và Tael Capital”.

Thực tế, như ông Andy Ho dẫn chứng, những thông tin về các quỹ đầu tư châu Á rót thêm tiền vào thị trường Việt Nam từ đầu năm đến nay thậm chí còn vượt trội hơn những thông tin rút vốn.

Cũng đến từ Singapore, hai quỹ đầu tư GIC và quỹ đầu tư Tael đã khiến thị trường chú ý đầu năm nay khi với các khoản đầu tư tổng cộng đến cả ngàn tỷ đồng vào các công ty cổ phần như Vinasun, Pan Pacific, FPT. Temasek cũng công bố khoản đầu tư thêm gần 90 tỷ đồng vào Vinamilk đầu tháng này.

Tại Hong Kong, JPMorgan Opportunities Vietnam Fund báo cáo quy mô quỹ đạt 143 triệu USD (3.000 tỷ đồng) tính đến cuối tháng 5, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2013 và tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2012, theo báo cáo trên website của Quỹ.

“Theo quan sát của VinaCapital, nhìn chung các nhà đầu tư tài chính châu Á vẫn đang ở lại Việt Nam”, VinaCapital cho biết.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục nhận một vài tín hiệu tốt từ các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ. Ngay sau khi Temasek rút, một đối tác khác đến từ Anh của VNI là Ironsides Partners LLC được thông báo tăng sở hữu gần đúng bằng số vốn Temasek đã thoái. Sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của Ironsides lên gần 24%.

Đầu tuần này, nhà đầu tư Mỹ Lazard Lazard Asset Management LLC tăng tỷ lệ sở hữu thêm 2 triệu cổ phần tại quỹ Vietnam Opportunities Fund Ltd của VinaCapital. Số cổ phần tăng thêm này có giá trị khoảng 100 tỷ đồng, tính theo giá của chứng chỉ trên sàn chứng khoán London vào đầu tháng 7.

Tổng cộng, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6.011 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2013, theo thống kê của HOSE.

“Nhìn chung thì cơ cấu nhà đầu tư theo quốc gia của các quỹ do VinaCapital quản lý không có nhiều thay đổi, dù gần đây chúng tôi đã nhận được nhiều quan tâm hơn từ các nhà đầu tư đến từ Mỹ”, ông Andy cho biết

“Tôi cho rằng, xu hướng đầu tư chung của phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tập trung vào thị trường vốn của Việt Nam và chưa có thay đổi nào đáng kể. Trước mắt, nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chờ đợi thêm nhiều doanh nghiệp được niêm yết, giúp mở rộng quy mô của thị trường chứng khoán và tăng thêm nhiều cơ hội đầu tư”.        

Tin bài liên quan