Vốn ngoại chọn hướng chảy mới

Vốn ngoại chọn hướng chảy mới

(ĐTCK) 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 5.600 tỷ đồng cổ phiếu, tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, có quy mô, thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, thay vì trải rộng như những năm trước.

4 tháng đầu năm: Mua ròng đột biến

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 1/3 chặng đường đầu tiên của năm 2017 với diễn biến được xem là tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây, tính đến hết phiên ngày 25/4, VN-Index tăng 5,3%, HNX-Index tăng 7,9% so với đầu năm. Đã có lúc, VN-Index vượt thành công ngưỡng 730 điểm, thiết lập đỉnh cao nhất kể từ năm 2009.

Bên cạnh đó, thanh khoản tăng mạnh, khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 196,5 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch duy trì trên 3.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên ghi nhận giá trị vượt ngưỡng 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

Một điểm nổi bật trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2016 là bên cạnh dòng tiền tích cực từ khối nội, thị trường đón nhận sự “hậu thuẫn” mạnh mẽ từ khối nhà đầu tư nước ngoài.

Tính chung cả hai sàn HOSE và HNX đến hết phiên 25/4, khối ngoại đã mua vào 880,9 triệu cổ phiếu, trị giá 36.867 tỷ đồng, trong khi bán ra 914,2 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 31.273 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng về khối lượng 33,2 triệu cổ phiếu, nhưng mua ròng về giá trị gần 5.600 tỷ đồng.

Trước đó, 2016 là năm bán ròng đầu tiên tại thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị hơn 6.700 tỷ đồng, sau 10 năm liên tiếp mua ròng.

Những tưởng thông tin bất lợi từ diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới như ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ với chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước, tiến trình “Brexit” của Anh đang gấp rút được tiến hành, Fed nâng lãi suất cùng những dự báo về sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ, khối ngoại sẽ tiếp tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài lại tăng đột biến, trong đó tháng 3 và tháng 4/2017 ghi nhận giá trị mua ròng vượt 2.000 tỷ đồng/tháng, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

 

“Khẩu vị” khối ngoại thay đổi

Quan sát danh sách mua ròng của khối ngoại trong 4 tháng đầu năm, một điểm dễ nhận thấy là dù mua ròng lớn về giá trị, nhưng tập trung vào một số cổ phiếu, thay vì trải rộng như những năm trước. Đáng chú ý, tại mỗi doanh nghiệp, lực mua chủ yếu xuất phát từ một hoặc một nhóm nhà đầu tư lớn nhằm tăng tỷ lệ sở hữu chi phối.

Chẳng hạn, cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được khối ngoại mua ròng 3.471 tỷ đồng, lực mua chủ yếu đến từ Quỹ F&N Dairy. F&N Dairy cùng với F&NBEV Manufacturing là 2 quỹ thuộc tập đoàn đồ uống Singapore, trước đó đã mua 39 triệu cổ phiếu VNM trong đợt thoái vốn lần 1 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cuối năm 2016. Động thái liên tục mua vào cổ phiếu VNM gần đây đã nâng tỷ lệ sở hữu của 2 quỹ này tại VNM lên 18,4% và trở thành nhóm cổ đông lớn thứ hai sau SCIC.

Tương tự, riêng ngày 13/4, Mitsubishi Corporation đã mua thành công 6 triệu cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), với giá trị 340 tỷ đồng, từ bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VHC, qua đó trở thành cổ đông lớn nắm giữ 6,5% tổng số cổ phần của Công ty.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG), 3 phiên giao dịch ngày 19/1, 13 và 14/3, khối ngoại mua một lượng lớn cổ phiếu TLG từ lãnh đạo Công ty, giúp TLG lọt vào Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm.

Bên cạnh các cổ phiếu niêm yết lâu năm, nhiều mã mới lên sàn như ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (niêm yết ngày 1/9/2016), SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (niêm yết ngày 6/12/2016), VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (niêm yết ngày 28/2/2017) cũng được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị lớn, lần lượt là 627 tỷ đồng, 361,5 tỷ đồng và 453 tỷ đồng. Mới đây, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ sau 3 phiên niêm yết đã được khối ngoại mua ròng gần 80 tỷ đồng.

Xét 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng lớn nhất (xem bảng), giá trị mua ròng là 6.875 tỷ đồng, gấp 1,23 lần tổng giá trị mua ròng toàn thị trường (nhiều mã khác bị bán ròng nên tổng giá trị mua ròng toàn thị trường nhỏ hơn giá trị mua ròng của 10 mã lớn nhất).

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp hấp dẫn vốn ngoại là có vị thế đầu ngành, quy mô, thị phần lớn. Cụ thể, VNM là công ty sữa dẫn đầu Việt Nam với thị phần trên dưới 45%; VHC là doanh nghiệp đầu ngành thủy sản chuyên về xuất khẩu cá tra; HPG là doanh nghiệp hàng đầu ngành thép xây dựng; TLG nổi bật trong lĩnh vực văn phòng phẩm, với thương hiệu bút bi Thiên Long. Với SAB, VJC, PLX, ROS, tuy là những “tân binh” trên sàn niêm yết nhưng tên tuổi đã được khẳng định, giữ vị thế đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, hay đạt mức tăng trưởng cao những năm gần đây, tiềm lực tài chính mạnh.

Giao dịch khối ngoại sẽ sôi động hơn

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là có nhiều điểm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Dù đã tăng giá khá mạnh trong những tháng đầu năm, nhưng P/E bình quân của thị trường (xét chỉ số VN-Index) ngày 25/4 là 16,1 lần. Mức P/E này xấp xỉ P/E của thị trường Thái Lan (16,6 lần), nhưng thấp hơn thị trường Malaysia (19,5 lần), Indonesia (24,5 lần), Philipines (21,3 lần).

Trong khi đó, diễn biến kinh tế vĩ mô ghi nhận không ít yếu tố thuận lợi: tín dụng tăng trưởng tốt, nợ xấu hệ thống ngân hàng giảm, lạm phát, lãi suất, tỷ giá ổn định. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến mở cửa giao dịch từ đầu tháng 6/2017 tạo ra kênh đầu tư mới, đồng thời cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro.

Đặc biệt, trong năm 2016, làn sóng cổ phần hóa, bán vốn, thoái vốn nhà nước đã đưa nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn như Sabeco, Habeco, ACV, Seaprodex, Vinatex… lên sàn giao dịch. Thị trường năm 2017 sau khi đón nhận Petrolimex, Vietjet, Vietnam Airlines… lên sàn, hiện đang chờ sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn khác như MobiFone, PV Power, Techcombank, VPBank, cung cấp thêm hàng hóa chất lượng cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, thoái vốn nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh sẽ tạo thêm sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, có thể mua chi phối và điều hành doanh nghiệp.

Các yếu tố trên kỳ vọng thu hút sự tham gia của dòng vốn ngoại trong thời gian tới, một mặt hỗ trợ thị trường tăng trưởng, mặt khác tạo điều kiện để hoạt động bán vốn, thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, xu hướng của dòng vốn này nhiều khả năng vẫn tập trung vào một số cổ phiếu, thay vì lan tỏa theo diện rộng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm các cổ phiếu đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh liên quan đến câu chuyện bán vốn, thoái vốn nhà nước, qua đó xuất hiện những thương vụ “khủng”. Đợt đấu giá 120 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera (VGC) dự kiến tiến hành vào cuối tháng 5 tới có thể là một trong những thương vụ như vậy.

Bởi vậy, trong khi mua ròng trên thị trường chung thì việc nhiều cổ phiếu tiếp tục nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại không có gì ngạc nhiên. Thị trường thêm hàng, khối ngoại thêm cơ hội chọn lọc. Hiệu quả đầu tư của khối ngoại chưa thể chắc chắn trước, nhưng khối hưởng lợi là các công ty chứng khoán, khi giao dịch chuyển nhượng sôi động hơn.            

Tin bài liên quan