TS. Alan T. Pham

TS. Alan T. Pham

Vốn ngoại cần thêm điểm tựa để hứng khởi

(ĐTCK) TTCK hứng khởi nhờ dòng tiền tăng lên, trong đó có đóng góp của khối ngoại. Cần có thêm những điểm tựa, để giữ chân và hút thêm dòng vốn ngoại.

ĐTCK trao đổi với TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital.

 

5 tháng đầu năm 2013, khối ngoại mua ròng lượng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trị giá khoảng 254 triệu USD, đây là mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2008 đến nay. Theo ông, đâu là lý do tạo nên sự hứng khởi của khối ngoại?

Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện khá thấp khi so sánh với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Trên nền giá cổ phiếu khá rẻ như vậy, khi nhận thấy vĩ mô có tín hiệu khởi sắc dần, đồng thời, Chính phủ đang phát đi những tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, khối ngoại đã đưa ra quyết định giải ngân với giá trị khá lớn trong những phiên giao dịch cuối tháng 5/2013. Khối ngoại đang đặc biệt quan tâm tới các cổ phiếu có giá trị nắm giữ dài hạn, hiện có mức giá hấp dẫn so với mặt bằng giá của các DN cùng ngành trong khu vực ASEAN.

Một lý do nữa khiến khối ngoại gia tăng đầu tư vào TTCK Việt Nam là họ nhìn thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế trong thời gian sắp tới, sau khi Chính phủ tập trung dồn sức giải quyết những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện tại: xử lý nợ xấu, tắc nghẽn tín dụng, phá băng thị trường bất động sản và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế.

 

Ông có ghi nhận thêm những tín hiệu nào chứng tỏ khối ngoại đang quan tâm nhiều hơn, tìm kiếm cơ hội giải ngân thêm vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

Tính từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong tháng 4 - 5/2013, có một tín hiệu rõ nét chứng tỏ khối ngoại đang gia tăng mối quan tâm tới TTCK Việt Nam. Đó là nhiều đoàn là các quỹ đầu tư, các định chế tài chính nước ngoài liên tục gia tăng các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư nội địa để tìm hiểu cơ hội giải ngân vào TTCK Việt Nam. Gần đây, số lượng các đoàn và các cuộc tiếp xúc tăng lên dày đặc, nhất là tại TP. HCM. Điều này diễn ra rõ nét tại VinaCapital.

Trong các cuộc tiếp xúc, có một điểm chung mà khối ngoại nhận định là tính từ thời điểm hiện tại, cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam đang rộng mở từ 6 - 9 tháng. Tuy nhiên, khối ngoại đang đợi thêm những tín hiệu điều hành mới từ Chính phủ, để đưa ra quyết định tiếp tục duy trì khoản đầu tư hiện tại, hoặc gia tăng lượng giải ngân trong thời gian tới.

 

Những tín hiệu họ đang chờ đợi là gì, thưa ông?

Tín hiệu quan trọng nhất, mà cả khối ngoại lẫn NĐT trong nước đang chờ đợi là lộ trình minh bạch kết quả cụ thể của việc xử lý nợ xấu, giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, tăng tổng cầu của nền kinh tế, cũng như nỗ lực phá băng tín dụng để giải cứu DN... Đây đang là nhóm yếu tố quyết định đà hứng khởi của TTCK hiện tại có kéo dài hay không, cũng như khối ngoại có tiếp tục duy trì các khoản đầu tư, hoặc giải ngân thêm trong thời gian tới hay không. Nói cách khác, những bước chuyển động chính sách để gỡ khó cho nền kinh tế và DN đang phản ánh gần hết vào các chỉ số chứng khoán. Nếu các yếu tố trên không sớm phát đi những tín hiệu tích cực mới, thì khó giúp TTCK tăng điểm liền mạch.

Ngoài ra, trong các cuộc tiếp xúc gần đây với NĐT nước ngoài, họ nhìn nhận trên nền các yếu tố tích cực là tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tốc độ tăng tưởng đang có tín hiệu nhích lên, đồng thời họ đang chờ đợi thêm 2 điểm tựa quan trọng khác. Đầu tiên, họ mong đợi Chính phủ sớm phát đi tín hiệu chính thức nới room cho phép NĐT nước ngoài được nắm giữ tỷ lệ cổ phần trên 49% tại các DN niêm yết. Thứ hai, linh hoạt nới room cho khối ngoại được sở hữu tỷ lệ phần vốn vượt trên mức trần 30% hiện hành tại một số ngân hàng.

Một khi Chính phủ tạo ra 2 điểm tựa trên, thì cùng với tín hiệu vĩ mô có thêm những diễn biến tích cực, sự hứng khởi của dòng vốn ngoại không chỉ dừng lại ở mức độ như hiện tại. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện thêm những thương vụ đầu tư “khủng” giống như Warburg Pincus vừa quyết định bỏ ra 200 triệu USD để mua 20% cổ phần của Vincom Retail, một đơn vị thành viên của Vingroup.