Cần hướng dòng vốn về đúng chỗ để kích thích hoạt động sản xuất đang đình trệ

Cần hướng dòng vốn về đúng chỗ để kích thích hoạt động sản xuất đang đình trệ

Vốn “làm” thì ít, vốn “chơi” lại nhiều

Dòng vốn tín dụng cho DN sản xuất - kinh doanh đang bị tắc nghẽn nhưng tín dụng cho bất động sản, vay tiêu dùng, mua xe… lại chảy ồ ạt.

Các đợt cắt giảm lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng (NH) liên tục thời gian qua nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, dòng chảy tín dụng này chưa thật sự khơi thông nhưng các NH đã mạnh tay chuyển sang cho vay các lĩnh vực phi sản xuất.

 

Ngân hàng “thích” cho vay cá nhân

Hàng loạt NH đã công bố cho vay bất động sản (BĐS), vay tiêu dùng cá nhân, mua xe… với mức lãi suất rất hấp dẫn, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh. NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai gói tín dụng 4.000 tỉ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà ở các dự án do NH này tài trợ, tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Theo giới thiệu của BIDV, khách hàng vay mua nhà sẽ được nhận hàng loạt ưu đãi từ quy trình, thủ tục, lãi suất… Dự án đầu tiên là khu nhà ở dịch vụ thương mại Nam Đô (Hà Nội) với lãi suất chỉ 10% trong 12 tháng đầu tiên. Thời gian vay tối đa 15 năm, hạn mức cho vay đến 85% giá trị căn nhà.

 

NH TMCP Quốc tế (VIB Bank) cũng tung ra gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho vay BĐS với lãi suất 3 tháng đầu chỉ từ 14,2%/năm dành cho các dự án chung cư cao cấp liên kết giữa NH và chủ đầu tư. Khách hàng có thể vay tối đa 90% giá trị tài sản thế chấp, thời hạn tối đa 15 năm… “Đây là mức lãi suất tín dụng BĐS rất tốt trên thị trường hiện nay” - VIB Bank khẳng định.

 

Mức lãi suất cho vay BĐS được ghi nhận tại một số NH khác cũng khá thấp, từ 14% - 15,5%/năm (tùy theo thời hạn, số tiền vay), vay  xây sửa nhà từ 14%/năm. Không chỉ hạ lãi suất, nhiều NH còn tung ra khuyến mãi đặc biệt để thu hút khách hàng như “miễn phí đóng lãi tháng đầu tiên” hoặc hưởng “0% lãi suất tháng đầu”… Lãnh đạo một NH cho biết nhu cầu vay mua nhà tại NH này đã tăng 100% so với tháng trước.

 

Ngoài ra, các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng mua ô tô cũng được nhiều NH quảng bá. Nhân viên tín dụng một NH cổ phần tại TPHCM cho biết vài tháng nay, anh chỉ giải ngân hồ sơ cho khách hàng cá nhân, còn DN thường không đủ tiêu chuẩn vay. Khách hàng cá nhân vay vốn đa phần có nguồn tài chính ổn định từ lương, tài sản thế chấp chính là căn nhà, ô tô sẽ mua nên NH yên tâm hơn về độ rủi ro. Do đó, tín dụng cá nhân được đánh giá cao và NH xem đây là nguồn thu dài hạn tốt nên không ngừng đẩy mạnh cho vay.

 

Cần tập trung cho sản xuất kinh doanh

Nhân viên tín dụng VIB Bank trên đường Lê Lợi, quận 1 - TPHCM cho biết: ngân hàng đang tăng cường các gói cho vay mua nhà nên lãi suất rất hấp dẫn, chỉ từ 14,2%/năm trong 3 tháng đầu. Khi chúng tôi hỏi mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường là bao nhiêu thì nhân viên này cho biết “khoảng 18%/năm”.

 

Mục tiêu hạ lãi suất huy động, áp trần cho vay của NH Nhà nước thời gian qua nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN nhưng dòng vốn tín dụng lại chưa chảy đúng chỗ. Nhiều DN vẫn phải vay vốn lưu động với lãi suất 17% - 19%/năm, thậm chí 20%/năm.

 

Theo một lãnh đạo NH Nhà nước chi nhánh TPHCM, Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh, không khuyến khích phi sản xuất. Tuy nhiên, nhiều DN gặp nợ xấu, thiếu tài sản thế chấp… không đủ chuẩn vay. Vì vậy, một số NH đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe… nhưng cũng không được vượt quá mức tăng trưởng 16% dành cho lĩnh vực phi sản xuất.

 

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng NH Nhà nước phải quyết liệt hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh thay vì để chảy qua các lĩnh vực khác. “Đang có những quan điểm cứu BĐS để vực dậy nền kinh tế của một số cơ quan quản lý và chuyên gia khiến NH Nhà nước có sự châm chước cho tín dụng BĐS, khiến dòng vốn chảy không như định hướng tái cấu trúc” - TS Đinh Thế Hiển nhận xét.