Vốn không vào doanh nghiệp khó

Vốn không vào doanh nghiệp khó

(ĐTCK) Với những doanh nghiệp đang khó khăn, mất cân đối về dòng tiền thì dù chấp nhận lãi vay cao hơn cũng khó lòng được vay.

Dòng chảy của vốn lãi suất thấp ở mức 7 - 8%/năm hiện được miêu tả như nước chảy chỗ trũng, bởi chỉ những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khả quan mới được vay vốn và hưởng mức lãi suất này. Với những doanh nghiệp đang khó khăn, mất cân đối về dòng tiền thì dù chấp nhận lãi vay cao cao hơn cũng khó lòng được vay. Đầu ra cho tín dụng ngân hàng vẫn còn rất khó khăn.

Giám đốc một công ty bất động sản cho biết, công ty ông chỉ cần khoản vốn 20 tỷ đồng là có thể hoàn thiện dự án chung cư dở dang, tiếp tục thu tiền của khách hàng, nhưng gần 2 năm kể từ ngày làm hồ sơ vay vốn đến nay, vẫn chưa ngân hàng nào chấp nhận giải ngân, Công ty bị đọng vốn, đã khó lại càng khó hơn. Nguyên nhân các ngân hàng chưa chịu “rút hầu bao” là tài sản thế chấp là căn hộ xây thô sẽ hoàn thiện trong tương lai không đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đìu hiu, thanh khoản căn hộ rất thấp.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở một công ty bất động sản khác, khi công ty này chờ đợi gần 2 tháng mà hồ sơ xin vay vốn vài chục tỷ đồng để hoàn thiện dự án, bàn giao cho khách hàng vẫn chưa được sự đồng ý của ngân hàng. Sự lo ngại của ngân hàng hoàn toàn có thể hiểu được, vì công ty này cũng vừa bàn giao một dự án, nhưng việc thu tiếp tiền đang gặp khó khăn, do khách hàng khiếu nại về việc dự án này được hoàn thiện không đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Theo TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, nền kinh tế đang có hệ số nợ ở mức cao, mặt khác tổng cầu suy giảm do cắt giảm đầu tư công, DN nhà nước tái cấu trúc, thoái vốn nên không thể mạnh tay vay vốn để đầu tư. Đại đa số DN thuộc các thành phần kinh tế khác cũng không thể đi vay để mở rộng sản xuất dù cho lãi suất đã giảm mạnh. Xu hướng lãi suất giảm chỉ giúp cho những DN đang tốt hưởng lợi về chi phí hoặc các DN đã vay trước đây mà bị lỗ giờ lỗ ít hơn.

Con số tín dụng tăng 2,29% (tính đến 22/5) so với thời điểm cuối năm 2012, theo TS. Lê Đạt Chí,  chưa thể vội mừng, vì bản chất khoản vay không phải phục vụ mục tiêu mở rộng sản xuất - kinh doanh của các DN, mà chủ yếu là vay mới trả nợ cũ. Theo ông Chí, tăng trưởng tín dụng trong năm nay vẫn rất chậm, chỉ đạt khoảng 5 - 7% so với năm 2012.

Thị trường chứng khoán tăng điểm trong một số phiên, nhưng dấu hiệu tăng không bền, dường như đang thể hiện quy luật của nó là chỉ báo trước của nền kinh tế. Khảo sát của ĐTCK với nhiều DN sản xuất vẫn cho thấy triêrển vọng không mấy sáng sủa về tình hình sản xuất - kinh doanh từ nay đến cuối năm. Các tín hiệu thực sự lạc quan có thể chỉ xuất hiện từ cuối năm nay và đầu năm sau vì độ trễ của các chính sách như thành lập công ty xử lý nợ xấu hay gói vốn hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng chắc phải tính bằng nhiều tháng.