Vốn hóa thị trường vàng token hóa đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD trong tháng 3

Vốn hóa thị trường vàng token hóa đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD trong tháng 3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường stablecoin nói chung, bao gồm các token được neo giá vào tiền tệ và hàng hóa, đã vượt 230 tỷ USD với mức tăng trưởng liên tục trong vòng 18 tháng qua.

Theo báo cáo từ CoinDesk, giá trị vốn hóa của vàng token hóa đã đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trong tháng 3 với khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao nhất trong năm.

Thị trường này đã trở nên nhộn nhịp hơn hẳn với khối lượng giao dịch tăng vọt sau khi giá vàng vật chất thiết lập mức kỷ lục mới ở trên 3.000 USD/ounce. Điều này đã khiến khối lượng giao dịch với các token vàng đã vượt 1,6 tỷ USD trong tháng, mức cao nhất trong vòng hơn một năm nay. Token được đảm bảo bằng vàng của Tether (XAUT) và PAXG của Paxos chiếm ưu thế trong số các sản phẩm đang được cung cấp, với vốn hóa thị trường lần lượt là 749 triệu USD và 653 triệu USD.

Trong khi đó, thị trường stablecoin nói chung, bao gồm các token có giá được neo vào tiền tệ pháp định và hàng hóa, sau khi liên tục tăng trưởng trong vòng 18 tháng, đã vượt mức vốn hóa 231 tỷ USD. Đồng tiền đứng đầu thị trường, USDT của Tether, cũng tăng lên mức cung kỷ lục 144 tỷ USD, tuy nhiên thị phần đã giảm xuống mức thấp nhất (62,1%) kể từ tháng 3/2023 trước bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

Điển hình như đồng USDC của Circle, stablecoin lớn thứ hai thị trường, đã tăng 7% trong một tháng, đạt gần 60 tỷ USD. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của các đồng stablecoin mới cũng đang là mối đe dọa đáng kể đối với USDT. Ví dụ như đồng USDtb, stablecoin neo giá USD mới ra mắt của giao thức tài chính phi tập trung Ethena, sử dụng quỹ thị trường tiền tệ token hóa BUIDL của BlackRock làm tài sản dự trữ, đã nhanh chóng thu hút hơn 1 tỷ USD tài sản để trở thành stablecoin lớn thứ 8 theo vốn hóa thị trường.

Thị trường stablecoin được hình thành để giải quyết vấn đề biến động giá của các loại tiền mã hóa truyền thống như Bitcoin và Ethereum. Stablecoin, như tên gọi, được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo vào tài sản dự trữ như USD, Euro hoặc vàng. Đồng USDT ra mắt vào năm 2014, là stablecoin đầu tiên và nổi bật, mở đường cho sự phát triển của thị trường này. Kể từ khi ra mắt cho đến nay, thị trường stablecoin đã phát triển đáng kể nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng stablecoin trong giao dịch, thanh toán xuyên biên giới và tích hợp vào tài chính phi tập trung (DeFi).

Tuy nhiên, kể từ khi Đạo luật thị trường tiền mã hóa (MiCA) được châu Âu thông qua, thị phần của thị trường stablecoin đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, MiCA yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải được cấp phép bởi cơ quan quản lý EU. Điều này ảnh hưởng lớn đến các stablecoin không tuân thủ, như USDT, do Tether Limited không có trụ sở tại EU và chưa được cấp phép. Một số sàn giao dịch, như Coinbase, đã hủy niêm yết USDT vào tháng 12/2024. Song, USDT vẫn có sẵn trên các sàn như Binance và Crypto.com, cho thấy sự không đồng nhất trong thực thi.

MiCA cũng áp đặt giới hạn giao dịch cho stablecoin không thuộc EU, như USDC và USDT, với mức trần 1 triệu giao dịch hoặc 200 triệu euro theo giá trị danh nghĩa, nhằm khuyến khích sử dụng stablecoin bằng euro.

Stablecoin EURC của Circle là người hưởng lợi đáng chú ý từ những phát triển này, tăng gần 30% lên 157 triệu USD vốn hóa thị trường và chiếm 45% thị phần trong tất cả các stablecoin euro.

Trong khi đó, thị trường token hóa vàng bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tài sản truyền thống (vàng vật chất) và công nghệ blockchain, một xu hướng nổi bật trong thập kỷ qua. Ý tưởng cơ bản là tạo ra các token kỹ thuật số được hỗ trợ bởi vàng thật, trong đó mỗi token đại diện cho một lượng vàng nhất định (thường là 1 gram hoặc 1 ounce), được lưu trữ trong các kho an toàn.

Những dự án tiên phong như Digix Global (DGX) ra mắt vào năm 2014 trên Ethereum là một trong những nền tảng đầu tiên token hóa vàng, đặt nền móng cho thị trường này. Sau đó, các dự án lớn hơn như Tether Gold (XAUT) và Paxos Gold (PAXG) xuất hiện vào khoảng năm 2019-2020, đánh dấu bước ngoặt trong việc đưa token hóa vàng đến gần hơn với nhà đầu tư.

Tính đến tháng 3/2025, thị trường token hóa vàng vẫn chiếm một phần nhỏ so với tổng thị trường vàng toàn cầu (ước tính khoảng 12.000 - 14.000 tỷ USD), nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực tiền mã hóa và tài sản token hóa. Hiện nay, một số quốc gia như Mỹ, Singapore và Thụy Sĩ đã đưa ra khung pháp lý rõ ràng cho token hóa tài sản nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan