Vốn Hàn vào công ty chứng khoán đang tăng mạnh
Mirae Asset là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ hai tại Việt Nam, với quy mô 4.300 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp 100% vốn từ Hàn Quốc. Ngoài Mirae Asset, có tới 4 công ty chứng khoán được sở hữu chi phối bởi nhà đầu tư gốc Hàn Quốc khác.
Đó là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV, vốn điều lệ hơn 1.675 tỷ đồng); CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS, vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng); Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV, vốn điều lệ 735 tỷ đồng), Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV, vốn điều lệ 812,6 tỷ đồng).
Dù chỉ chiếm 5/75 các công ty chứng khoán đang hoạt động, nhưng vị thế của các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc lại không hề khiêm tốn.
Cụ thể, vốn điều lệ nhóm 5 công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc đã lên tới trên 9.400 tỷ đồng, chiếm gần 16,93% tổng quy mô vốn điều lệ các công ty chứng khoán tại Việt Nam (55.623 tỷ đồng đến cuối năm 2018, nguồn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Nhóm công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc chiếm khoảng 50% tổng số các công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam. Đây có lẽ là lý do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ưu tiên những người biết tiếng Hàn (ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 1 bắt buộc là tiếng Anh) trong tuyển dụng nhân sự lần này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nguồn tin từ nhiều công ty chứng khoán Hàn Quốc xác nhận, các công ty này đều có nguồn lực và công ty mẹ bên Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư lượng vốn lớn vào thị trường Việt Nam. Yếu tố quan trọng để quyết định dòng chảy tiền là quy mô thị trường cũng như khả năng hấp thụ vốn và sử dụng hiệu quả của công ty con tại Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, do mới tăng vốn trong thời gian qua, nên Công ty tạm thời chưa có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ, mà ưu tiên cho mục tiêu sử dụng hiệu quả vốn và đẩy mạnh phát triển bền vững trước khi có những bước tiến tiếp theo.
Đây được cho là kế hoạch thận trọng của Mirae Asset Việt Nam, bởi trước đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Mirae Asset toàn cầu, ông Hyun Man Choi cho biết, với quy mô tài sản Tập đoàn lên tới 400 tỷ USD, việc cân nhắc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam từ 1-2 tỷ USD vào các lĩnh vực, trong đó có chứng khoán, hoàn toàn nằm trong kế hoạch khả thi của Tập đoàn.
Với Chứng khoán Shinhan, đại diện của Công ty hiện chưa đưa ra các thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới vì cho rằng mọi việc vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc. Mặc dù vậy, nguồn tin từ các đối thủ cho biết, họ đã cảm nhận được động thái cạnh tranh của Shinhan trong việc phát triển mảng bán lẻ và đẩy mạnh kinh doanh ra thị trường phía Bắc.
“Họ đã có động thái về nhân sự mảng bán lẻ, nên tôi tin Shinhan sẽ sớm tham gia quyết liệt vào mảng bán lẻ, cho vay margin và có thể sẽ tăng vốn điều lệ trong tương lai gần”, nguồn tin nhận xét và cho biết thêm, cạnh tranh về nhân sự đang diễn ra ngày một lớn, do các công ty chứng khoán có vốn ngoại nói chung, công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc nói riêng đang quyết liệt mở rộng thị trường.
Nguồn vốn mới chờ đổ vào Việt Nam
“Đợt này các nhà đầu tư đang chậm lại, nhưng có thể chỉ vài tháng nữa, dòng vốn từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam”, lãnh đạo một bộ phận chứng khoán đầu tư của ngân hàng lớn thuộc Hàn Quốc chia sẻ.
Nguồn tin này cho hay, các chương trình xúc tiến đầu tư sang Việt Nam tại Hàn Quốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Trả lời lý do vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc thích Việt Nam, một nguồn tin cho rằng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn so với mặt bằng chung khu vực, do mức độ tăng trưởng chung cao. Các nhà đầu tư là khách hàng của ngân hàng nơi người này đang làm việc, luôn tranh thủ tối đa các cơ hội tham gia đấu giá IPO các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Hiện tại, ngân hàng này đang quản lý một lượng tài khoản các nhà đầu tư ủy thác đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hyun Man Choi cho rằng, đặc thù phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam đang có sức hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc; nhất là các lĩnh vực như bất động sản, hàng tiêu dùng - bán lẻ (đồ uống, thực phẩm, hàng thiết yếu), công nghệ thông tin và tài chính… "Dân số trẻ, mức tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô là những điều kiện lý tưởng để đầu tư", vị này nhận xét.
Được biết, trong chiến lược hướng về phương Nam, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 100 tỷ USD và Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia hàng đầu về đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.