Vốn đang thoát kênh tiết kiệm chảy vào chứng khoán, bất động sản

Vốn đang thoát kênh tiết kiệm chảy vào chứng khoán, bất động sản

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital cho rằng, lãi suất giảm sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và bất động sản. Nguồn tiền tiết kiệm sẽ đi ra từ ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư này. 

Ngân hàng Nhà nước vừa hạ trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống 6%/năm và có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về khả năng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Ông nghĩ sao về điều này?

Lãi suất cho vay hạ, chi phí tài chính giảm xuống, doanh nghiệp có thể kỳ vọng gia tăng được lợi nhuận và đây là thông tin tốt đối với các nhà đầu tư cổ phiếu. Lãi suất thấp cũng là cơ hội để thị trường nhà đất hồi phục, bởi nhu cầu sở hữu nhà đất trong dân vẫn rất lớn.

Do đó, theo tôi, sẽ khó tránh được hiện tượng nguồn tiết kiệm ra khỏi ngân hàng để đi vào các kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời cao hơn, khi lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn như thời gian trước.

P/E cho TTCK Việt Nam nên trong khoảng 13 - 15 lần

Có nghĩa là nguồn tiết kiệm sẽ chảy vào chứng khoán, bất động sản, thưa ông?

Đúng vậy. Dòng vốn sẽ có xu hướng ra khỏi kênh tiết kiệm tại các ngân hàng và chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Hiện tượng này đang bắt đầu diễn ra.

Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn từ nay đến hết quý II/2014?

Tất cả các thị trường tài chính đều hoạt động theo chu kỳ xuống dưới đáy rồi vượt đỉnh. Giai đoạn 2006 - 2007, các nhà đầu tư đã quá lạc quan và đầu tư cổ phiếu ở mức giá quá cao. Tuy nhiên, giai đoạn 2008 - 2013, các nhà đầu tư lại tỏ ra quá bi quan và đầu tư cổ phiếu ở giá quá thấp.

Trong năm 2014, theo tôi, việc định giá sẽ đạt tới mức hợp lý, chỉ số P/E trung bình cho thị trường chứng khoán Việt Nam nên trong khoảng 13 - 15 lần. Chỉ có các công ty blue-chips với đội ngũ quản lý giỏi và quản trị kinh doanh xuất sắc thì chỉ số P/E mới nên ở mức 18 lần. Vì vậy, thị trường có thể tăng từ 10 - 15% mà vẫn giữ được mức giá hợp lý. Nhưng nếu VN-Index tăng đến mức trên 700 điểm thì khi đó cổ phiếu lại trở nên quá đắt. 

Dòng vốn ngoại đã đổ khá mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 và trở thành lực đỡ quan trọng cho thị trường tăng điểm. Theo ông, dòng vốn này có tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

Theo tôi, có đủ những tín hiệu tích cực cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.  

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch giải ngân và thoái vốn của Mekong Capital năm nay?

Chiến lược trong năm 2014 của Mekong Capital là mang lại thêm nhiều giá trị cho các công ty thuộc danh mục đầu tư của chúng tôi thông qua những sáng kiến đề xuất về cải thiện hoạt động và bằng việc mời các chuyên gia tầm cỡ quốc tế tới các công ty chúng tôi đầu tư để giới thiệu những thông lệ toàn cầu tốt nhất.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu có thêm thành viên độc lập tham dự Hội đồng quản trị của các công ty, vì chúng tôi thấy rõ giá trị gia tăng mà một thành viên độc lập có thể mang lại rất hiệu quả. Trong thời gian qua, chúng tôi đã bán khá nhiều khoản đầu tư, hiện chỉ đầu tư vào 12 doanh nghiệp. Trong năm 2014 này, Mekong Capital dự kiến bán thêm 3 - 4 khoản đầu tư. Song song với đó, chúng tôi cũng có kế hoạch cho những khoản đầu tư mới.

Tin bài liên quan