Vốn 1.000 tỷ đồng, CTCK được phát hành chứng quyền

Vốn 1.000 tỷ đồng, CTCK được phát hành chứng quyền

(ĐTCK) Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng là quy định CTCK được quyền phát hành chứng quyền có bảo đảm. 

Đây là một sản phẩm mới mà Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã kiến nghị ngành chứng khoán cho phép triển khai.

Theo HOSE, TTCK Việt Nam hiện còn ít ỏi về số lượng và chủng loại hàng hóa, thiếu công cụ để nhà đầu tư tự cân bằng hoặc có thể kiếm lợi trên thị trường giá xuống. Điều này dẫn đến một hạn chế lớn là TTCK Việt Nam thường có xu hướng chuyển động một chiều, khi thị trường tăng thì nhà đầu tư ào ào mua cổ phiếu, khi thị trường xuống thì xu hướng bán lấn át trên các sàn.

Theo HOSE, trên thế giới, sản phẩm chứng quyền bảo đảm được phát hành bởi các CTCK hoặc ngân hàng đầu tư uy tín, cho phép người nắm giữ có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở với giá và thời điểm xác định trước. Tại Việt Nam, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 58 cho phép các CTCK nếu không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên và hoạt động đủ các nghiệp vụ, sẽ được phát hành chứng quyền. Dự thảo không đưa ra quy định cho đối tượng là các ngân hàng đầu tư được phát hành chứng quyền.

Điều mà một số thành viên thị trường băn khoăn là sản phẩm chứng quyền bảo đảm này có gì khác sản phẩm chứng khoán phái sinh mà Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang xây dựng? HOSE cho biết, các nước thường chia sản phẩm phái sinh thành 2 nhóm chính: một nhóm được các Sở GDCK tổ chức giao dịch ở sàn chứng khoán giao ngay, bao gồm quyền mua cổ phiếu, chứng quyền và chứng quyền có bảo đảm; nhóm còn lại thường được tổ chức giao dịch ở sàn phái sinh, bao gồm hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Theo đó, sản phẩm chứng quyền bảo đảm này, nếu được ra đời, sẽ giao dịch như một cổ phiếu trên thị trường niêm yết; còn các sản phẩm phái sinh sẽ khác sẽ được giao dịch trên thị trường phái sinh (theo kế hoạch sẽ ra đời năm 2016, dự kiến do HNX tổ chức vận hành).

HOSE cho biết, sự ra đời của sản phẩm chứng quyền bảo đảm sẽ làm hoàn thiện cấu trúc thị trường cổ phiếu và là bước trung gian giúp nhà đầu tư có thời gian làm quen với loại hình đầu tư mới với tính chất như chứng khoán phái sinh, nhưng điều kiện giao dịch, thanh toán được thực hiện đơn giản hơn.

Được biết, nhiều TTCK trong khu vực như Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan đã triển khai thành công sản phẩm chứng quyền bảo đảm, với tỷ kệ giao dịch khá ổn định (20 - 30%) trên các thị trường này. 

Tin bài liên quan