Các doanh nghiệp Fintech đã khai thác kho tư liệu này, cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại làm thay đổi ngành tài chính thế giới. Hiện nay, có hơn 84% người dùng ở Trung Quốc sử dụng dịch vụ tài chính có liên quan đến Fintech và con số này ở Ấn Độ là gần 77%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nếu năm 2016 đánh dấu nhiều thành công của các công ty Fintech với số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng cải thiện, thì năm 2017 lại có những cột mốc đáng chú ý khác.
Lộ trình phát triển chông gai
Vào tháng 3/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech nhằm góp phần xây dựng hệ sinh thái, cũng như quản lý các công ty Fintech. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Fintech cũng bắt đầu tập trung vào các mảng quan trọng khác như xếp hạng tín dụng người vay, cho vay ngang hàng (peer-to-peer) hoặc tiền ảo dựa trên công nghệ sổ cái phân tán…
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Chuyển đổi, Ngân hàng Techcombank
Việt Nam là một “mỏ vàng” cho các công ty công nghệ khi sở hữu cấu trúc dân số trẻ, năng động, tỷ lệ dân số kết nối với internet đạt 53%, tỷ lệ sử dụng smartphone là 43% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trái ngược với điều này, mức độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng còn rất thấp, khi chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng - thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình 60% của thế giới. Tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở vùng nông thôn, với chỉ khoảng 19% người dân có tài khoản ngân hàng. Lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng, là một sân chơi mới đang chờ được khai phá.
Tiềm năng lớn là thế, nhưng đa số các công ty Fintech vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu khi các sản phẩm vẫn còn khá sơ khai, đa số chỉ tập trung vào mảng thanh toán – một phần rất nhỏ trong sân chơi tài chính công nghệ.
Hệ sinh thái cho các công ty Fintech đã phần nào được phát triển ở Việt Nam như hệ thống các nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ như thuế, luật và chiến lược kinh doanh, hệ thống kinh doanh thương mại điện tử… Tuy nhiên, các công ty Fintech vẫn chưa thể phát triển nhanh, phù hợp với tiềm năng của mình.
Theo đó, một trong những rào cản phải kể đến là hệ thống pháp lý chưa theo kịp đà phát triển của các công ty Fintech. Lấy ví dụ năm 2009, loại hình ví điện tử đã được cấp phép thí điểm hoạt động, nhưng mãi đến cuối năm 2015 mới có 4 công ty được cấp phép hoạt động chính thức, cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng.
Mối đe dọa cho tài chính truyền thống?
Như một hệ quả tất yếu từ làn sóng Fintech, các công ty tài chính truyền thống, đặc biệt là ngân hàng - nổi tiếng bởi sự nặng nề và tính kém sáng tạo trong bộ máy, sẽ cảm nhận được mối đe dọa từ Fintech. Câu hỏi được đặt ra là ngân hàng nên làm gì trước xu thế này: Cạnh tranh hay hợp tác để cùng phát triển?
Những diễn biến thực tế cho thấy, ngân hàng vẫn sẽ luôn giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các thành phần kinh tế và cung cấp các dịch vụ, giải pháp tài chính (tiền gửi, cho vay, thanh toán…) đến từng cá nhân, doanh nghiệp. Nền tảng khách hàng lớn và mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ là một lợi thế cạnh tranh khó có thể san lấp của các nhà băng.
Thêm vào đó, uy tín cùng khả năng bảo mật vượt trội - điều quan tâm lớn của khách hàng - cũng đặt ngân hàng ở vị trí trung tâm. Chưa kể, đây là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế. Vai trò này là không thể thay thế bởi các công ty Fintech.
Tuy nhiên, chính bộ máy cồng kềnh của các ngân hàng đã kìm kẹp sự sáng tạo và tính mạo hiểm – điều mà các Fintech không thiếu. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay cũng chưa có nhiều chiến lược, thử nghiệm hay dự án về Fintech.
Cánh tay nối dài của ngân hàng
Các công ty công nghệ tài chính và ngân hàng đều sở hữu những thế mạnh riêng biệt và bổ sung cho nhau, việc hợp tác giữa hai bên rõ ràng sẽ khiến cho ngành tài chính - ngân hàng lột xác. Các công ty Fintech sẽ tiếp cận với nguồn khách hàng và được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng để có thể đẩy mạnh hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của chính mình.
Bên cạnh đó, ngân hàng có thể mang lại những trải nghiệm mới mẻ và tiện ích hơn tới khách hàng hiện có, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và chạm được đến các thị trường ngách mà trước đây do hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tiềm lực nên đã bị bỏ quên.
Trong bối cảnh hiện tại, những ngân hàng có hệ thống công nghệ tiên tiến như Techcombank nhìn nhận các công ty công nghệ tài chính như là cánh tay nối dài của ngân hàng, là đối tác giúp Techcombank có thể đưa ra những giải pháp tiên tiến hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền và giải pháp ngân hàng điện tử.
Cho đến nay, Techcombank đã và đang trong giai đoạn tìm hiểu, đối thoại và hợp tác với các công ty công nghệ cung cấp các giải pháp chuyển tiền trong và ngoài nước, bên cạnh phương thức truyền thống điện SWIFT, với mục tiêu giảm chi phí, giảm thời gian xử lý giao dịch và tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Trong thời gian vừa qua, Techcombank cũng liên tục triển khai các giải pháp và sản phẩm cho người dùng như “chương trình zero fee” - miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản điện tử nhằm khuyến khích khách hàng cá nhân sử dụng tiện ích mobile banking, hay chương trình TCWealth sử dụng robo advisor để tư vấn cho khách hàng của Công ty Chứng khoán Kỹ thương…
Minh chứng điển hình từ Techcombank cho thấy, việc ngân hàng chủ động phối hợp và nghiên cứu mô hình hợp tác với các Fintech trong và ngoài nước, sẽ giúp mang lại các trải nghiệm mới, cũng như giá trị cộng thêm cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự chuyển mình của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam.