Vỡ ống nước sông Đà không phải do nguyên nhân thi công

Vỡ ống nước sông Đà không phải do nguyên nhân thi công

(ĐTCK) Từ ngày 5 - 15/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm 9 bị can trong vụ án vi phạm quy định xây dựng dẫn đến vỡ đường ống nước sông Đà.

Vỡ đường ống, hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng

Vụ án có liên quan đến 3 doanh nghiệp bao gồm Tổng công ty Vinaconex, CTCP Ống sợi thủy tinh Viglafico, CTCP Nước và môi trường Việt Nam (Viwase).

Theo đó, Dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội được giao cho Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và được triển khai xây dựng từ năm 2004 - 2009. Vinaconex đã thành lập Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà để thực hiện dự án.

Quá trình thực hiện, Vinaconex góp vốn thành lập CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex Viglafico và được HĐQT Vinaconex chỉ định làm nhà thầu cung cấp ống composite và phụ kiện.

CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) được Vinaconex chỉ định làm nhà thầu thực hiện gói thầu “Tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị dự án”.

Sau thời gian thi công, hệ thống đường ống cấp nước sông Đà đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống cấp nước Sông Đà, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ. 

Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ. Hậu quả của hàng chục lần vỡ ống nước còn khiến 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3. Đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Vỡ ống do đâu?

Trong vài năm qua, sự kiện đường ống sông Đà bị vỡ thường xuyên trở thành tâm điểm nóng trên các trang báo cũng như trong dư luận người dân. Nhiều người bị ảnh hưởng khi thiếu nước sinh hoạt đã bức xúc đặt vấn đề điều tra làm rõ vì sao ống vỡ?

Đến tháng 7/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án và được Viện KSND Tối cao phê chuẩn. Tháng 12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng lần thứ 2 thay thế bản cáo trạng hồi đầu năm 2016.

Cơ quan công tố xác định, đường ống vỡ không phải do nguyên nhân thi công, cũng không phải vì thay thế vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh mà do chất lượng ống không đảm bảo.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ: HĐQT Vinaconex có vi phạm gì trong việc thay đổi vật liệu và việc thay đổi này có phải là nguyên nhân gây ra sự cố vỡ ống khi vận hành.

Kết luận giám định bổ sung số 107 của Bộ Xây dựng xác định nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định liên quan thì không gây ra sự cố vỡ đường ống.

Được biết, thi công đường ống sông Đà có nhiều đơn vị như Vinaconex 1, Vinaconex 2, Vinaconex 3, Vinaconex 6, Vinaconex 7, Vinaconex 12, Vinaconex 16, Vinaconex 34... Đây là các đơn vị thuộc Vinaconex được chỉ định thầu thi công xây lắp tuyến ống của dự án.

Kết luận giám định của Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng xác định về cơ bản các đơn vị thi công đã tuân thủ yêu cầu thiết kế của dự án khi thực hiện, công tác xây lắp không phải là nguyên nhân gây ra việc vỡ ống. Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra không xem xét xử lý các đơn vị này.

Nguyên nhân gây vỡ ống được xác định là do chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Cụ thể, kết luận giám định của Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng.

Mặc dù phát hiện nhiều sản phẩm ống composite không đạt tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế (94 ống) nhưng Ban quản lý và đơn vị tư vấn giám sát không tổ chức thu hồi mà vẫn cho lắp đặt, ký biên bản nghiệm thu, xác nhận hơn 5.000 ống composite và phụ kiện đảm bảo chất lượng.

Viglafico, đơn vị sản xuất ống composite không thực hiện việc thí nghiệm kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm mà DN đã công bố và áp dụng.

Vì những sai phạm này, Hoàng Thế Trung (SN 1960, trú ở đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội) - nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án cùng với Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển - từng giữ chức Phó Giám đốc và Trưởng phòng Vật tư, Ban QLDA cấp nước Sông Đà; Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải - nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh (Vinaconex)... bị đề nghị xét xử về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin bài liên quan