Một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Trước đó, các nhà đầu tư này đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.
Những động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy Nhật và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo.
Cùng với nhà đầu tư, nạn nhân của các hoạt động có yếu tố lừa đảo này gồm cả nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh. Việc đóng cửa hàng loạt nhà hàng khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư và cũng không vì lý do thương mại rõ rệt đã khiến hơn 1.500 nhân viên người Việt mất việc làm.
Nhóm các nhà đầu tư nói trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.
Các thành viên của nhóm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Hiện trang web của Huy Việt Nam không thể truy cập. Thông tin thị trường cho biết, doanh nghiệp đã lỗ 50 tỷ đồng trong năm gần đây, tổng lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng, nhưng các nhà đầu tư không được cập nhật và thông tin họ nhận được là doanh nghiệp vận hành tốt.
Cho đến hết quý I/2019, hệ thống nhà hàng Món Huế vẫn mở rộng ở các tỉnh thành.
Thị trường ồn ào bởi trong trường hợp này, không phải các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức đầu tư cũng lãnh vố đau từ việc không nắm bắt được thông tin xác thực.
Khi đề cập đến câu chuyện M&A và rót vốn vào các doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Dynam Capital đã nhiều lần chia sẻ, không chỉ nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư sừng sỏ phải tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh khác như đối tác, nhà phân phối, cơ quan thuế...
Ở các thương vụ lớn, các nhà đầu tư như Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital thường cử nhân sự trực tiếp ngồi ghế hội đồng quản trị các doanh nghiệp, để có quyền truy xuất mọi thông tin thiết yếu khi cần.
Sau hơn 5 năm đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô hơn 300 triệu USD, lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn chia sẻ, kinh nghiệm họ rút ra là phải nắm sát sao doanh nghiệp. Thay vì để danh mục có nhiều doanh nghiệp, họ sẽ thu gọn số doanh nghiệp để tập trung quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn khoản đầu tư.
Trở lại với câu chuyện của các nhà đầu tư bỏ vốn vào Huy Việt Nam, theo luật sư Hoàng Trọng Ðiểm, Ðoàn Luật sư Hà Nội, việc khởi kiện để đòi ông Huy Nhật và các cộng sự phải sử dụng tài sản cá nhân để bồi hoàn thiệt hại cho doanh nghiệp và nhà đầu tư là không hề dễ dàng.
Bên nguyên phải chứng minh được người quản lý doanh nghiệp trong quá trình điều hành doanh nghiệp có hành vi làm sai các quy định của pháp luật, dẫn đến doanh nghiệp bị thiệt hại. Qua bước này, việc chờ thi hành án với cá nhân cũng không mấy khả thi.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông khởi kiện (cho dù trên cơ sở trực tiếp hoặc phái sinh) cần có tư cách cổ đông tại thời điểm khởi kiện và đã phải sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông của công ty liên tục ít nhất 6 tháng trước ngày khởi kiện. Cổ đông nắm dưới 1% tổng số cổ phần phổ thông của công ty các nhóm với các cổ đông khác đạt đủ tỷ lệ 1% để có tư khách khởi kiện. Không có quy định về việc cổ đông đó phải có tư cách cổ đông tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Nguyên đơn có thể không phải là cổ đông tại thời điểm xảy ra vi phạm, nhưng nếu có tư cách cổ đông tại thời điểm khởi kiện thì vẫn có quyền khởi kiện.