Thị phần của VNSteel hiện giảm còn dưới 30%. (Ảnh: Đức Thanh)

Thị phần của VNSteel hiện giảm còn dưới 30%. (Ảnh: Đức Thanh)

VNSteel - đại gia thép mất dần ưu thế cạnh tranh

Có nhiều ưu thế vượt trội so với các công ty trong ngành và ít vướng phải đầu tư đa ngành, nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - “đại gia” lớn nhất ngành thép lại đang mất dần lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ.

Thua lỗ triền miên

 

Ra đời từ năm 1995, VNSteel là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường, bình ổn giá và nguồn cung - cầu thép hàng năm.

              

Thế nhưng, từ năm 2000 trở đi, VNSteel ngày càng khó khăn hơn, khi Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành thép.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp thép của Việt Nam cũng ra đời và không ngừng đầu tư chiều sâu, tạo thách thức rất lớn đối với VNSteel.

 

Đó chính là nguyên nhân khiến tỷ trọng về sản lượng của VNSteel giảm mạnh, xuống dưới 30% hiện nay.

 

Tuy tỷ trọng giảm, song với 10 đơn vị trực thuộc, 14 công ty con và 30 công ty liên kết, VNSteel hiện vẫn cung cấp trên 50% nhu cầu thép xây dựng và khoảng 30% nhu cầu thép cán nguội trong nước.

 

Ngoài ra, VNSteel cũng có lợi thế đầu tư từ thượng nguồn với việc sản xuất phôi, nhiều nhà máy đã khấu hao xong, chủng loại sản phẩm đa dạng, đặc biệt là sản phẩm thép hình.

 

Về hiệu quả kinh doanh, vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của VNSteel ngày càng trở nên bết bát. Trong 6 tháng đầu năm 2013, có tới 7/13 công ty thành viên của VNSteel bị thua lỗ và 5 liên doanh không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, tổng sản lượng thép mới đạt 42% kế hoạch Nhà nước giao (675.900 tấn/1.595.000 tấn), tồn kho hơn 190.000 tấn. Tổng doanh thu của VNSteel đạt 5.961 tỷ đồng, chiếm 22,2% doanh thu của toàn hệ thống.

 

Con số trên cho thấy, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay là khó khả thi.

 

Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc VNSteel nêu ra một loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhu cầu thép trong 2 quý đầu năm thấp và không ổn định; nguồn cung mặt hàng thép trong nước ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, dẫn đến lượng hàng tồn kho cao; thị trường bất động sản - đầu ra chính của ngành thép đang đóng băng, dẫn đến tiêu thụ thép xây dựng khá chậm; thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục vào Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cố tình đầu tư bán phá giá để chiếm lĩnh thị phần và tiêu diệt lẫn nhau…

 

Cần phải nhắc lại rằng, năm 2012, kinh doanh của VNSteel cũng bị thua lỗ, không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận mà đại hội đồng cổ đông thông qua. Nhưng con số lỗ cụ thể tại từng công ty như thế nào thì VNSteel không công bố.

 

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, mà hoạt động đầu tư cũng trì trệ. Là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong ngành thép, nhưng rất nhiều dự án thép lớn trong vài năm gần đây lại thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Hiện VNSteel có 2 dự án lớn đang triển khai dở dang nhiều năm nay, đó là Dự án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II (khởi công từ năm 2007, hiện đang chờ Chính phủ cho ý kiến về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư) và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (khởi công từ năm 2009, hiện đang chậm tiến độ).

 

Theo ông Hưng, tình trạng trên khiến năng lực sản xuất của VnSteel không tăng trưởng, giảm năng lực cạnh tranh, gây lãng phí cho Nhà nước, doanh nghiệp và cổ đông.

 

Mất dần lợi thế cạnh tranh

 

Đối với thép cán nóng, các sản phẩm có tính tiêu chuẩn hoá cao, nên các doanh nghiệp không có cơ hội áp dụng chiến lược cạnh tranh bằng khác biệt hóa, mà chủ yếu theo đuổi cạnh tranh về chi phí thấp và giá bán rẻ hơn.

 

Để thắng cuộc, doanh nghiệp cần áp dụng một số chiến thuật.

 

Thứ nhất, mô hình tích hợp dọc thông qua việc tự chủ sản xuất phôi thép và khai quặng, hoặc xây dựng những khu liên hợp gang thép để tiết giảm chi phí nhập khẩu phôi thép.

 

Thứ hai, quy mô sản xuất lớn, thị phần tiêu thụ lớn và dòng sản phẩm rộng.

 

Thứ ba, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng.

 

Như vậy, VNSteel có đủ lợi thế cạnh tranh trước đối thủ khi sở hữu quy mô sản xuất và thị phần lớn, tích hợp dọc đầy đủ, công nghệ hiện đại và có sự hậu thuẫn lớn của Nhà nước về tài chính. Nhưng “đại gia” này lại không linh hoạt biến lợi thế đó thành sức mạnh để giữ vị thế thống lĩnh trên thị trường, mà còn tự đánh mất dần lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ.

 

Thị trường thép Việt Nam có 3 tên tuổi cần nhắc đến, đó là VNSteel, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) và Công ty Thép Pomina (POM). Nếu xét về quy mô tài sản và doanh thu, VNSteel hiện chiếm giữ vị trí đầu ngành, sau đó là HPG và POM. Nhưng nếu xét về lợi nhuận sau thuế, thì HPG đang dẫn đầu, đứng thứ hai là POM và cuối cùng là VNSteel.

 

Trước đây, tiềm lực tài chính của HPG và POM còn hạn chế, nên chỉ đầu tư vào cán thép và phải nhập khẩu phần lớn phôi thép. Tuy nhiên, sau một quá trình phát triển và tích tụ vốn, hiện tại, hai công ty tư nhân này đủ mạnh để tự chủ đầu tư sản xuất phôi thép, khai quặng và đã bắt kịp mô hình kinh doanh của VNSteel.

 

Không những thế, việc tái cấu trúc các công ty con kinh doanh kém hiệu quả hoặc thoái vốn khỏi những đơn vị này còn chậm trễ, khiến VNSteel phải gánh những chi phí cao.

 

Đặc biệt, VNSteel có một danh mục đầu tư khá dàn trải và điều này không hỗ trợ tốt cho việc tạo ra lợi thế cạnh tranh.

 

Còn nhớ, tháng 10/2010, VNSteel ghi dấu ấn vào thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam qua thương vụ trị giá 30 triệu USD với Công ty cổ phần Lilama Hà Nội. VNSteel nắm giữ 85% cổ phần để tái cấu trúc nhà máy mạ kẽm - mạ màu của Lilama tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Sau khi tái cấu trúc, nhà máy có tên mới là VNSteel Thăng Long. Nhà máy sẽ có năng lực sản xuất thép lá mạ kẽm 250.000 tấn/năm, thép lá mạ màu 150.000 tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu về sản phẩm này tại Việt Nam.

 

Khi đó, nhà tư vấn và môi giới thương vụ này là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) từng đánh giá rằng, hai bên đã đến với nhau đúng lúc cần thiết. Việc loại trừ điểm yếu và bổ sung điểm mạnh sẽ giúp họ củng cố vị trí trên thị trường và gia tăng thị phần. Thương vụ này cũng đã được xem là mốc đánh dấu trong lộ trình trở thành tập đoàn đa ngành, đa sở hữu lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2015-2025 của VNSteel.

 

Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như mong đợi, thậm chí, chính thương vụ trên đã là nguyên nhân đẩy VNSteel vướng vào những khoản đầu tư được cho là không hiệu quả.

 

Tình trạng của VNSteel hiện nay khiến giới phân tích nhận định rằng, ngành thép rất có thể sẽ đi theo con đường tương tự như ngành thủy sản, tức là ban đầu, các tổng công ty nhà nước chiếm ưu thế, nhưng dần tụt lại đằng sau và nhường vị thế dẫn đầu cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.

 

Loay hoay bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

 

Trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo VNSteel thừa nhận, việc thoái vốn của Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết theo Quyết định 33/QĐ-VNS ngày 5/2/2013 chưa thực hiện được theo yêu cầu, do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm...

 

Đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng và bán 29% cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài cũng mới chỉ dừng ở bước hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, việc lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng phương án chào bán vẫn chưa được triển khai.

 

Trước đó, VNSteel đã có chuyến làm việc tại Nhật Bản để tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép của nước này, như Nipon Steel, JSE, Tokyo Steel, Kobe Steel, Mitsubishi, Marubeni - Itochu… Ngoài ra, VNSteel cũng đã tiếp xúc với một số đối tác khác tại Nga như Evraz Group SA và NLMK, song các công ty này vẫn chưa có các đề xuất cụ thể.