VinaCapital sẽ lập quỹ mở VVF để tiếp nhận tài sản từ VNI

VinaCapital sẽ lập quỹ mở VVF để tiếp nhận tài sản từ VNI

VNI bị “ép” thoái 2.300 tỷ đồng vốn đầu tư

(ĐTCK) Nhiều NĐT muốn thanh lý Quỹ Vietnam Infrastructure Limited (VNI) nên quỹ này vừa phải có văn bản xin ý kiến NĐT về việc thoái 2.300 tỷ đồng giá trị các khoản đầu tư.

VNI là quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý. Cái tên “Quỹ cơ sở hạ tầng Việt Nam” của VNI phần nào gợi ý lĩnh vực mà quỹ này đầu tư, đó là cổ phiếu, trái phiếu và các dự án trong lĩnh vực hạ tầng và liên quan đến hạ tầng. Tuy nhiên, sắp tới, VNI sẽ thoái vốn khỏi tất cả các dự án hạ tầng và các tài sản khác chưa niêm yết, với tổng giá trị lên đến 2.300 tỷ đồng, nếu tờ trình mà Quỹ vừa gửi đến các NĐT được thông qua.

Theo tờ trình, VNI sẽ cấu trúc lại danh mục bằng cách tách tài sản ra thành 2 danh mục riêng là tài sản niêm yết và chưa niêm yết, sau đó thoái vốn khỏi danh mục chưa niêm yết. Kế hoạch này được đưa ra khi có nhiều NĐT muốn thanh lý VNI, trong khi các NĐT khác muốn tiếp tục đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

VNI là một quỹ đóng đang niêm yết trên TTCK London (AIM). Danh mục gồm các khoản đầu tư vào các dự án và chứng khoán trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, khu công nghiệp, nước và môi trường… Tổng giá trị tài sản quản lý hiện là 231,4 triệu USD, tương đương 4.911 tỷ đồng.

Tính thanh khoản của tài sản trong danh mục không cao, “góp phần” làm cho thị giá chứng chỉ quỹ VNI thường xuyên thấp hơn giá trị tài sản ròng. Kể từ giữa năm 2012 đến nay, VNI đã nhiều lần chi tiền mặt để mua lại chứng chỉ quỹ, nhưng cũng chỉ giúp cho mức chiết khấu không quá lớn.

Tính ra, kể từ khi chương trình mua lại chứng chỉ quỹ được bắt đầu, đến nay VNI đã chi 18,4 triệu USD để thu về xấp xỉ 52 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 12,9% tổng khối lượng đã phát hành (402,1 triệu chứng chỉ quỹ).

Trước sức ép của nhiều NĐT về việc thanh lý VNI, những nhà quản lý quỹ này đã phải nghĩ ra phương án nêu trên để làm dịu tình hình.

Trước hết, đối với danh mục niêm yết, VinaCapital sẽ lập ra một quỹ mở có tên là VCG Partners Vietnam Fund (VVF) để tiếp nhận toàn bộ tài sản là cổ phiếu và trái phiếu từ VNI. VVF sẽ phát hành chứng chỉ quỹ để hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ của VNI. Giá trị tài sản của VVF chính là giá trị tài sản danh mục niêm yết hiện hành của VNI.

Vì giá chứng chỉ quỹ của VNI đang giao dịch trên thị trường ở mức thấp hơn giá trị tài sản ròng, nên khi chuyển đổi, giá chứng chỉ quỹ của VVF phát hành cho NĐT hiện tại của VNI cũng sẽ được chiết khấu.

Cụ thể, việc hoán đổi chứng chỉ quỹ dự kiến diễn ra trong vòng 12 tháng và chia làm 3 đợt. Đợt 1, hoán đổi 33,3% số lượng chứng chỉ quỹ thuộc danh mục tài sản niêm yết của VNI sau 21 ngày, kể từ ngày được AIM chấp thuận. Đợt 2, hoán đổi 50% sau 6 tháng kể từ ngày hoán đổi lần 1. Đợt 3 sẽ hoàn tất hoán đổi 100% sau 6 tháng tiếp theo. NĐT hoán đổi vào đợt 1 và 2 sẽ được chiết khấu lần lượt 4% và 2% trên giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ thuộc danh mục niêm yết.

Sau khi việc hoán đổi hoàn tất, NĐT muốn tiếp tục thoái vốn sẽ được VVF hoàn trả lại tiền theo giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ. Việc hoàn trả được thực hiện mỗi tháng 2 lần, NĐT không mất phí hoàn trả.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2014, danh mục niêm yết của VNI có giá trị khoảng 117 triệu USD. Trong khi thực hiện việc tái cấu trúc nêu trên, VNI sẽ tạm dừng chương trình mua lại chứng chỉ quỹ đã được các NĐT thông qua từ giữa năm 2012.

Đối với danh mục chưa niêm yết, giá trị tài sản vào khoảng 107,9 triệu USD, tính đến cuối tháng 6/2014 - thời điểm gần nhất có đủ các căn cứ để tính giá trị tài sản. Con số này tương đương gần 2.300 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành.

Việc thoái vốn được VNI dự kiến thực hiện cho đến tháng 6/2017. Sau khi hoàn tất việc chuyển giao danh mục niêm yết cho VVF, VNI với danh mục các tài sản chưa niêm yết sẽ tiếp tục niêm yết trên AIM và huỷ niêm yết sau khi hoàn tất thoái vốn.

Trong khi VNI cần thời gian để thu hồi các khoản đầu tư cũng như tiền mặt tạo ra từ các dự án đã đi vào hoạt động, thì nhiều NĐT không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thêm. Toàn bộ kế hoạch nêu trên sẽ được các NĐT xem xét thông qua tại cuộc họp bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 24/11 tới. 

Một số tài sản tiêu biểu trong danh mục chưa niêm yết của VNI bao gồm khoản đầu tư vào Khu công nghiệp Bá Thiện 2, Khu công nghiệp Long An và CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC).

Khu công nghiệp Bá Thiện 2 có tổng diện tích 308 héc-ta tại tỉnh Vĩnh Phúc. Giai đoạn 1 của dự án rộng 40 héc-ta, hiện có 4 NĐT vào thuê. Giai đoạn 2 với quy mô tương tự được bắt đầu triển khai từ quý II/2014. Đối với Khu công nghiệp Long An, VNI đã đạt được thoà thuận thoái toàn bộ vốn cho đối tác còn lại là Tập đoàn Đồng Tâm, nhưng cả 2 bên vẫn đang chờ chấp thuận của UBND tỉnh Long An.

Tin bài liên quan