VNDIRECT dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,1% năm 2021 dựa trên 3 kỳ vọng

VNDIRECT dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,1% năm 2021 dựa trên 3 kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô với kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2020

Tăng trưởng quý III thấp hơn kỳ vọng do làn sóng COVID-19 thứ hai

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2020 tăng 2,6% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng quý III thấp nhất trong một thập kỷ. Tăng trưởng này thấp hơn mức 3,5% trong kịch bản cơ sở của VNDIRECT, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 1,6% trong kịch bản xấu.

Công nghiệp và xây dựng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và chỉ ghi nhận tăng trưởng 3,0% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều mức tăng 10,0% trong quý III/2019) do làn sóng COVID-19 tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp.

Lạm phát được kiểm soát tốt

Lạm phát tháng 9/2020 tăng 3,0% so với cùng kỳ (so với mức tăng 3,2% của tháng 8). So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng nhẹ 0,1% do sự tăng lên của nhóm giáo dục (tăng 2,1% so với tháng trước) được bù đắp bởi sự sụt giảm của chỉ số giá thực phẩm (giảm 0,3% so với tháng trước) và chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí (giảm 0,2% so với tháng trước).

Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25-0,5 điểm % từ ngày 1/10/2020 để hỗ trợ tăng trưởng, sát với dự báo của VNDIRECT trước đó. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,0%/năm xuống 2,5%/năm và lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm.

Báo cáo kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ít thay đổi lãi suất điều hành chủ chốt so với mặt bằng hiện tại.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

Kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV

Khu vực dịch vụ vẫn tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ trong quý III/2020, cải thiện đáng kể so với mức giảm 1,9% trong quý II/2020.

Sau khi làn sóng COVID-19 thứ 2 được đẩy lùi, khu vực dịch vụ đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 5,0% so với cùng kỳ.

VNDIRECT cho rằng khu vực dịch vụ sẽ duy trì xu hướng phục hồi trong quý IV/2020, qua đó thúc đẩy đà hồi phục của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 9/2020 đạt 52,2 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 7/2019, điều này báo hiệu cho sự phục hồi nhanh hơn của ngành sản xuất trong quý IV/2020.

Hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 2,8% trong kịch bản cơ sở

Do tăng trưởng GDP quý III/2020 thấp hơn kỳ vọng của VNDIRECT và lĩnh vực công nghiệp phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn do tác động của làn sóng COVID-19 thứ hai trên thế giới, VNDIRECT điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 xuống 2,8% trong kịch bản cơ sở (từ mức 3,5% trước đó).

VNDIRECT duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn nhờ hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài phục hồi sau COVID-19 và xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, Báo cáo giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 7,1%, dựa trên các kỳ vọng sau:

Thứ nhất, đại dịch về cơ bản sẽ được ngăn chặn trên toàn cầu trong năm 2021 với sự sẵn có của vắc-xin ngừa COVID-19;

Thứ hai, Chính phủ sẽ duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp;

Thứ ba, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời vốn đầu tư của cả khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.

Điểm đáng chú ý của Báo cáo đó là doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh trong quý IV/2020. Theo Tổng cục Thống kê, một cuộc khảo sát về xu hướng kinh doanh cho thấy, có tới 81% doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh trong quý IV/2020 sẽ tốt hơn hoặc ổn định so với quý trước, trong khi chỉ có 19% cho rằng tình hình sẽ khó khăn hơn so với quý 3/2020.

Cụ thể hơn, 46% doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh sẽ tốt hơn và 35% doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục ổn định trong quý IV/2020. Các con số này lạc quan hơn so với kết quả khảo sát trong quý III/2020 khi chỉ có 68% doanh nghiệp cho rằng kết quả kinh doanh quý III/2020 tốt hơn hoặc ổn định so với quý trước đó, trong khi có tới 32% doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh quý III/2020 khó khăn hơn quý trước đó.

Tin bài liên quan