Việc VND mạnh lên so với USD mang lại nhiều tích cực hơn tiêu cực.

Việc VND mạnh lên so với USD mang lại nhiều tích cực hơn tiêu cực.

VND sẽ còn mạnh lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá VND/USD được dự báo sẽ có năm 2021 đặc biệt khi tỷ giá giảm và đồng Việt Nam mạnh lên.

Vì USD mất giá

Ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã vận hành cơ chế tỷ giá linh hoạt và công bố tỷ giá hàng ngày. Theo đó, giá trị của đồng nội tệ được quản lý dựa trên 3 tiêu chí: Một là, lãi suất liên ngân hàng bình quân gia quyền; hai là, biến động đồng tiền của các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam; ba là, các cân đối kinh tế vĩ mô.

“Sau khi tăng giá 4% năm 2018, 4,7% năm 2019 và 1,9% trong 5 tháng đầu năm 2020, tỷ giá thực hữu hiệu (REER - đo lường theo phương pháp luận của WB dựa vào giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính) cho thấy, đồng nội tệ tăng giá khoảng 5,5% từ tháng 5 đến tháng 11 chủ yếu do USD bị mất giá so với các đồng tiền lớn khác những tháng gần đây”, ông Jacques Morisset nói.

Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cũng nhận định, VND sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố thúc đẩy như kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh, áp lực lạm phát được dự báo giảm, USD tiếp tục suy yếu, nhân dân tệ (CNY) tiếp tục mạnh lên…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, VND có thể tiếp tục tăng giá trong năm tới, trong đó nguyên nhân chính là USD sẽ tiếp tục suy yếu, chứ không phải vì cáo buộc “thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính Mỹ áp đặt đối với Việt Nam.

“Chúng tôi dự báo USD sẽ mất giá thêm từ 5-10% trong năm 2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạo điều kiện để nền kinh tế tăng nóng", Carsten Brzeski - chuyên gia Kinh tế trưởng của ING nhận định.

Thậm chí, trong một báo cáo được công bố ngày 16/11, Citigroup còn dự báo USD có thể giảm tới 20% trong năm 2021 nếu như vắc-xin chống Covid-19 được phân phối rộng rãi, giúp phục hồi hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, trong 3 năm qua (2017-2019), giá trị thực của VND tăng khoảng 2,6%. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể bị tác động tiêu cực từ yếu tố này, chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam như Mỹ cáo buộc.

Không chỉ USD sụt giảm, tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn cầu khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang triển khai các gói nới lỏng định lượng khổng lồ để bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế cũng là yêu tố khiến dòng vốn rẻ ồ ạt chảy vào các nền kinh tế đang phát triển, đẩy giá tài sản cũng như đồng nội tệ tại các thị trường này tăng giá.

Đơn cử, tại Ấn Độ, ngân hàng trung ương nước này đang đau đầu với việc dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào. Deustche Bank dự báo, trong năm tài chính tính đến cuối tháng 3 sang năm, sẽ có khoảng 82 tỷ USD đổ vào Ấn Độ và cũng khoảng chừng đó tiếp tục chảy vào trong năm tài chính tiếp theo, tạo áp lực tăng giá lớn đối với đồng rupee.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc USD giảm giá mạnh đang tạo áp lực tăng giá đối với VND. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), các biện pháp nới lỏng định lượng của Fed khiến USD suy yếu so với các đồng tiền lớn trên thế giới và tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong một vài năm tới, qua đó tạo áp lực tăng giá đối với VND.

Ngoài ra, áp lực tăng giá của VND còn do nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư kỷ lục trong năm 2020, bên cạnh mức tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nguồn kiều hối…

Cũng nhiều lợi ích

Theo giới chuyên gia, việc VND tăng giá mang lại nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế. Thứ nhất, khiến nợ nước ngoài quy đổi ra VND giảm, từ đó giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp và chính phủ. Thứ hai, làm giảm áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ ba, VND tăng giá sẽ càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó kích thích dòng vốn nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam.

VND tăng giá sẽ khiến nợ nước ngoài quy đổi ra tiền đồng giảm, làm giảm áp lực lạm phát và củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó kích thích dòng vốn nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam

Thực tế, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến dòng vốn FDI suy giảm mạnh trên toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cũng giảm 2,4%, đạt 17,2 tỷ USD.

“Tuy có sự suy giảm, nhưng đây vẫn là thành tựu đáng chú ý khi đặt trong bối cảnh Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ giảm từ 30-45% trong năm 2020”, ông Jacques Morisset nói.

Đặc biệt, theo giới chuyên gia, những thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ khiến dòng vốn FDI phục hồi nhanh trở lại, trong khi Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đầu tư để cơ cấu tại chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được ký kết và vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng sẽ kích thích dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Dự báo vốn FDI giải ngân trong năm 2021 có thể tăng 7% so với năm 2020. Hiệu ứng từ các FTA còn có thể khiến khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, VNDirect nhận định.

Ngoài ra, VND tăng giá so với USD cũng làm giảm nhẹ cáo buộc “thao túng tiền tệ” của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

“VND mạnh lên cũng có thể làm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, qua đó giảm nhẹ các cáo buộc của nước này đối với Việt Nam liên quan đến thao túng tiền tệ”, một chuyên gia cho biết.

Trong một tương quan khác, việc VND mạnh lên được nhận định sẽ mang lại những tác động tiêu cực như làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, song tác động này là không lớn, bởi 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là hàng tiêu dùng thiếu yếu nên mức độ co giãn theo giá là khá nhỏ.

Thứ hai, do cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều và nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu nên việc VND tăng giá lại khiến giá hàng nhập khẩu giảm, từ đó kéo giá hàng xuất khẩu giảm.

Thứ ba, không chỉ VND, mà nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như CNY, EUR, JPY... cũng đang tăng giá so với USD, qua đó làm giảm tác động tăng giá của VND đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Tin bài liên quan