Nhìn nhận rủi ro
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, VN-Index bắt đầu nhịp hồi phục từ ngày 23/8, sau khi điều chỉnh giảm về sát mốc 760 điểm. Hiện tại, chỉ số đã vượt qua mức điểm cao nhất 9 năm qua hình thành đầu tháng 8 tại 792,98 điểm.
Tuy nhiên, cách thức tăng điểm của VN-Index ít nhiều gây bất ngờ cho thị trường. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (8/9), VN-Index ghi nhận 11/12 phiên tăng giá, trong đó vai trò dẫn dắt được thay đổi luân phiên từ các cổ phiếu ROS, VIC, VNM đến SAB, GAS, BID, MSN.
Theo ông Đức, diễn biến tăng điểm của VN-Index chịu tác động không nhỏ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên không phản ánh đầy đủ bức tranh cung cầu của thị trường.
Ngoài ra, thanh khoản sàn HOSE trong 2 tuần qua nếu loại bỏ thanh khoản của cổ phiếu FLC tăng đột biến trong giai đoạn cuối tháng 8 thì chỉ đạt trung bình 150 - 160 triệu đơn vị/phiên. Dòng tiền đầu cơ vẫn đang vận động với tâm lý thận trọng và quan sát.
Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, VN-Index tăng điểm, nhưng khối lượng giao dịch giảm dần đều cho thấy, tâm lý của thị trường nhìn chung vẫn còn đang khá dè chừng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 đã khép lại, VN-Index đang ở một mặt bằng định giá tương đối cao, động lực cho xu hướng tăng điểm bền vững hiện chưa rõ ràng.
Đáng chú ý, giao dịch của khối ngoại có khả năng chững lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến thay đổi chính sách từ nới lỏng tín dụng sang thắt chặt hơn. Thực tế, trong tháng 8 vừa qua, mức độ tham gia thị trường (tỷ trọng giao dịch) của khối ngoại đã giảm xuống 13% so với mức 16% trước đó.
Mặc dù vậy, tác động từ việc Fed tăng lãi suất được dự báo không lớn và nhiều khả năng việc tăng lãi suất sẽ diễn ra vào tháng cuối năm.
“Các chỉ số về kinh tế Mỹ cho thấy, xác suất Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này không cao và nếu có cũng không tác động nhiều đến lãi suất hay xu hướng dòng vốn ngoại vào thị trường, nhất là trong bối cảnh việc thoái vốn nhà nước, bán cổ phần các tổng công ty lớn, công ty đầu ngành như Sabeco, Vinamilk, Idico, PV Oil... thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư gián tiếp”, ông Đức nói.
ACBS nêu quan điểm, trong các yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán trong tháng 9, trừ rủi ro xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên, chỉ có kết quả kinh doanh quý III/2017 của các doanh nghiệp mới là đáng kể. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có xu hướng dồn lợi nhuận đến cuối năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ, nhất là JPY và EUR đang chịu nhiều áp lực, do giá tăng mạnh trong 3 tháng qua. Các yếu tố này kèm với việc thị trường tạo đỉnh mới có thể dẫn đến tâm lý bán ra của nhiều nhà đầu tư.
“Các đợt tăng giá do tâm lý tích cực hoặc tin tức có lợi cho doanh nghiệp chỉ có thể làm tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Nếu không có kết quả kinh doanh tốt làm nền tảng, rủi ro chốt lời khi đạt đỉnh sẽ khá cao”, ACBS nhận xét.
Chiến lược đầu tư cuối năm
Trong bối cảnh thanh khoản ở mức trung bình như hiện tại, theo ông Đức, việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư ngắn hạn là tương đối khó khăn, đầu cơ theo một số cổ phiếu vốn hóa lớn đang “điều tiết” chỉ số cũng khá rủi ro. Mặc dù vậy, xét về yếu tố giá trị nội tại cho nhà đầu tư trung và dài hạn, có không ít cổ phiếu trên hai sàn đang được định giá ở mức hợp lý, có thể đầu tư.
ACBS khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi đầu tư vào những cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong những phiên gần đây, dù đó là cổ phiếu cơ bản tốt, chỉ nên mua vào ở những phiên điều chỉnh. Nhà đầu tư nên theo dõi kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp để đưa ra quyết định mua bán, cũng như chốt lời các cổ phiếu đầu cơ khi thị trường điều chỉnh và giữ các cổ phiếu cơ bản tốt.
Về mặt vĩ mô, các ngành dự kiến có kết quả kinh doanh năm 2017 thuận lợi bao gồm ngân hàng, bất động sản, dược, công nghiệp, nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư vào các ngành này, với giá mua vào hợp lý và giữ trong trung hạn.
VDSC chia sẻ, Công ty không kỳ vọng vào đà tăng của VN-Index trong ngắn hạn, nhưng tin tưởng vào triển vọng của chỉ số trong trung và dài hạn. Vĩ mô ổn định, sản xuất cải thiện, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng như doanh số bán lẻ tăng cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Các ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản tầm trung, ngân hàng và các ngành công nghiệp liên quan đến tiêu dùng sẽ hứa hẹn đạt kết quả khả quan trong nửa cuối năm. Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp, thị trường có thể trả giá cao hơn cho các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn.