Thanh khoản sàn HOSE giảm dần xuống dưới mức 100 triệu cổ phiếu/phiên khi mà thị trường thiếu vắng các hoạt động đầu cơ.
Một số thông tin khá tích cực đã được đưa ra trong tuần này như chỉ số Niềm tin tiêu dùng Việt Nam của ANZ - Roy Morgan đã tăng 2,5 điểm, lên 144,8 điểm trong tháng 12, mức cao nhất từ khi khảo sát được thực hiện và cũng là mức cao nhất tại châu Á; hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc chính thức có hiệu lực, nhưng không đủ sức xóa đi những lo ngại về áp lực tỷ giá sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ chính thức tăng lãi suất.
Một bộ phận nhà đầu tư đang chọn cách tạm thời đứng ngoài quan sát, khiến cho xu thế của thị trường hiện tại vẫn chưa được hình thành một cách rõ ràng.
Giao dịch trên thị trường tập trung vào một số mã cổ phiếu trong danh mục tái cơ cấu của ETF như VCB, DPM, BVH, VIC, SBT, HHS… Tuy nhiên, diễn biến giá giữa những cổ phiếu này lại có sự phân hóa mạnh: trong khi SBT tiếp tục có diễn biến tăng tốt sau ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của ETF thì HHS lại kéo dài đà giảm.
Sự phân hóa cũng diễn ra tại các mã blue-chips, khiến cho thị trường ở thế giằng co, chỉ số VN-Index dao động đi ngang quanh ngưỡng 560 - 570 điểm, còn chỉ số HNX-Index đi ngang quanh ngưỡng 78 - 79 điểm. Đáng chú ý, nhóm các cổ phiếu dầu khí gồm PVD, GAS, PVS, PVC… bất ngờ hồi phục khá mạnh mẽ với sự tham gia tích cực của lực cầu ngoại.
Tác nhân cho sự tăng giá này là sự hồi phục trở lại của giá dầu thô thế giới từ mức đáy của nhiều năm gần đây, quanh ngưỡng 35 USD/thùng lên sát ngưỡng 38 USD/thùng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa thấy có đủ những cơ sở để kết luận liệu giá dầu thế giới đã xác lập được đáy hay chưa.
Nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trên sàn HOSE, mặc dù đã có một phiên quay trở lại mua ròng nhẹ vào ngày thứ Tư
. Hoạt động mua ròng trong một phiên chưa thể hiện nhiều điều, nhưng nếu điều này được duy trì trong một vài phiên tới thì có thể sẽ giúp cải thiện tâm lý thị trường và phần nào giảm bớt lo ngại về hoạt động rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, điều này cũng có thể là dấu hiệu về hoạt động chốt NAV vào cuối năm của các quỹ đầu tư, có thể xảy ra tại một số cổ phiếu được khối ngoại tập trung mua nhiều, gồm PVD, PVT, VIC, VCB, PPC…
Trong khi đó, 2 quỹ ETF lớn của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE ETF cũng đã tạm ngưng hoạt động rút chứng chỉ quỹ, khi mà Quỹ FTSE ETF chỉ rút nhẹ 10.000 chứng chỉ quỹ trong khi VNM ETF giữ nguyên số lượng chứng chỉ quỹ trong tuần này.
Thanh khoản hiện tại của thị trường đang có dấu hiệu cạn kiệt, thể hiện ở sự suy yếu của các bên mua lẫn bên bán. Xu hướng giảm điểm có vẻ như đang chiếm ưu thế hơn khi mà VN-Index vẫn giao dịch trong thị trường giá xuống (bear market) với ngưỡng kháng cự trung hạn tại 580 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index cũng đang nằm phía dưới các đường trung bình động ngắn hạn như MA10, MA20 ngày ở khu vực quanh 570 điểm.
Nhiều khả năng, thị trường sẽ tiếp tục lình xình trong biên độ hẹp trong một vài phiên nữa để quan sát thêm những thông tin vĩ mô hỗ trợ và/hoặc diễn biến mới trong việc dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.