Ảnh Dũng Minh

Ảnh Dũng Minh

VN - Index tăng mạnh: Nên tham lam hay sợ hãi?

(ĐTCK) Tuần trước, VN-Index có mức tăng 5,8% với khối lượng giao dịch cao hơn trung bình 20 tuần. Nửa đầu tuần này, thị trường tiếp tục tăng mạnh và xoa dịu đi những nghi ngờ về sự điều chỉnh hay những lo lắng về khủng hoảng sau dịch bệnh. Liệu xu hướng tăng có tiếp bùng nổ sau tín hiệu của các phiên giao dịch vừa qua hay không?

Cho đến nay, nhà đầu tư đã chứng kiến 24 phiên tăng giá sau Ngày bùng nổ theo đà theo lý thuyết của William J. O'Neil (VN-Index chính thức xác nhận có “Ngày bùng nổ theo đà” vào 6/4/2020 -  là ngày giao dịch có sự bùng nổ, lan tỏa cho toàn thị trường). Những nhà đầu tư nào đã tham gia và nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua, đa phần đều có mức lãi tốt trong tài khoản.

Dù vậy, để sự hưng phấn choán chỗ cho sự thận trọng trong đầu tư là điều nguy hiểm, theo các "sói già" trong đầu tư chứng khoán.

Trong suốt 1 tháng qua, sự tăng giá của VN-Index đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước và dòng tiền của việc đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp, chứ không phải là nhà đầu tư nước ngoài hay tự doanh các công ty chứng khoán. Còn bây giờ, trật tự đó đã thay đổi.

Phiên tăng mạnh cuối tuần trước, ngày 8/5, phần nào cho thấy xu hướng của dòng tiền. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân đã có phiên bán ròng mạnh nhất trong thời điểm từ tháng 3 đến nay, với giá trị bán ròng là 1.457 tỷ đồng.

Trong tháng 3 và tháng 4, nhà đầu tư cá nhân mua ròng và hấp thụ phần bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và tổ chức trong nước ở vùng giá khi VN-Index xuống dưới 800 điểm từ ngày 12/3/2020. Giờ là giai đoạn chốt lời của họ.

Trái ngược lại, phần lớn dòng tiền mua vào trong phiên 8/5 đến từ khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài, khi họ mua ròng lần lượt là 1.083 tỷ đồng và 72,8 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, lượng lớn giao dịch là sự đối ứng giữa nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Thông thường, khi so sánh sức mạnh của dòng tiền, nhà đầu tư tổ chức được đánh giá mạnh hơn, an tâm và tạo độ tin cậy hơn so với nhà đầu tư cá nhân dựa trên nhiều yếu tố.

Nhưng lần này, theo các chuyên gia của The S.U.N Invesment System, động thái mua ròng của nhà đầu tư tổ chức cần được lưu ý một cách cẩn trọng.

Cụ thể, khối tự doanh các công ty chứng khoán (một trong những nhà đầu tư tổ chức) là nhóm mua ròng mạnh nhất, nhưng hoạt động tự doanh hiện nay được thực hiện chủ yếu nhằm phục vụ các nghiệp vụ kỹ thuật cho các sản phẩm phái sinh và sự vận hành các quỹ chỉ số có liên quan, thay vì các hoạt động mục đích lợi nhuận đơn thuần như các năm trước đây.

Việc thay đổi một cách đột ngột, từ bán ròng sang mua ròng một lượng lớn như thế, lại ở mức giá cao hơn hẳn, gợi nên những thắc mắc.

Trong khi đó, khối ngoại mới mua ròng nhẹ trở lại 2 phiên gần đây với giá trị hơn 110 tỷ đồng (phiên đầu tuần họ vẫn bán ròng giá trị 400 tỷ đồng). Động thái này chưa đủ lớn để khẳng định khối ngoại chuyển sang trạng thái tích cực sau giai đoạn bán ròng mạnh trong 3 tháng qua.

Sự đối ứng dòng tiền trên TTCK hiện nay đến từ nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước, liệu dòng tiền này có giúp cho VN-Index tiếp tục tăng bền vững?

Động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư cá nhân, một trong những nhân tố chính nâng đỡ chỉ số trong suốt 2 tháng qua là một chỉ báo để các nhà đầu tư lưu ý.

VN - Index tăng mạnh: Nên tham lam hay sợ hãi? ảnh 1

Nhìn vào biểu đồ tâm lý (theo hình), có thể thấy, các thông tin tiêu cực khi Việt Nam áp dụng cách ly xã hội, nhà đầu tư đều mang chung tâm lý là chán nản, mất niềm tin và nghi ngờ, khi đó VN-Index đã tạo đáy và bùng nổ từ ngày 6/4 đến giờ là hơn 1 tháng.

Hiện nay, Việt Nam dừng cách ly xã hội… có lẽ chúng ta đang ở khu vực niềm tin, cảm xúc, hưng phấn. Ai cũng nhìn thấy cơ hội và tự tin lúc này.

Một phần động lực tăng giá của VN-Index trong thời gian tới còn nằm ở triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, đã có hơn 700 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, nhiều doanh nghiệp cho những kết quả khá tích cực.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự tích cực trong quý I/2020 chưa phản ánh hết những hậu quả mà dịch bệnh mang lại trong thời gian tới. Chính vì vậy, trong các quý còn lại của năm 2020, chắc chắn sẽ còn những thay đổi. Đây cũng là điểm các nhà đầu tư cần lưu ý.

Tin bài liên quan