VN-Index liên tiếp tăng điểm: Nỗi lo nhà đầu tư tan biến

VN-Index liên tiếp tăng điểm: Nỗi lo nhà đầu tư tan biến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vừa có tuần tăng thứ tư, trở về vùng điểm trước khi lao dốc do Covid-19 gây ra trong cả hai đợt bùng phát tháng 3 và cuối tháng 7.

Điểm số và thanh khoản tăng cao

Trong tuần qua, chỉ số VN-Index tăng 24,12 điểm (+2,8%) lên mức 878,9 điểm, dòng tiền luân chuyển linh hoạt giữa các cổ phiếu “trụ”.

Thị trường duy trì xu hướng tăng sau khi bứt khỏi ngưỡng kháng cự 860 điểm nhờ tín hiệu lạc quan từ thị trường chứng khoán thế giới và dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Lực kéo chính đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản gồm VIC (tăng 5,7%), VRE (tăng 3,2%) và cổ phiếu một số nhóm ngành khác như PLX, VPB, MWG...

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 8, VN-Index có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp, với tổng mức tăng 9,68%. Chỉ số tiến gần đến ngưỡng 880 điểm cho thấy, nỗi lo về đợt dịch Covid-19 thứ hai xảy ra từ tuần cuối tháng 7 tới nay gần như biến mất.

Thị trường đã phục hồi lên mức điểm cao hơn, thậm chí lấy lại hầu hết mức điểm của lần sụt giảm do Covid-19 lần thứ nhất gây ra trong tháng 3.

Tuần qua, một số nhóm ngành tăng điểm mạnh là bán lẻ (MWG, FRT, DGW…) tăng 11,74%, dầu khí (PLX, PVB, PVD…) tăng 8,57%, công nghệ (ELC, FPT, CMG…) tăng 5,87%, hóa chất (NHH, DGC, PLC) tăng 4,51%, xây dựng và vật liệu (VCG, C32, C4G, HT1…) tăng 4,44%.

Giá trị khớp lệnh trong tuần qua trên sàn HOSE đạt hơn 5.315 tỷ đồng/phiên, tăng 28,04% so với mức trung bình tháng 8 và tăng 42% so với mức bình quân 8 tháng đầu năm, cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường được cải thiện mạnh mẽ.

Mức thanh khoản này tương đương với thời điểm VN-Index giao dịch ở vùng đỉnh hồi phục trong tháng 6.

Khối ngoại vẫn có động thái bán ra, tuần qua bán ròng 237 tỷ đồng, tập trung vào mã VHM, VNM và VCB, trong khi mua ròng mã PLX, VIC. Tuy nhiên, diễn biến bán ròng của khối ngoại được hấp thụ tốt bởi lực cầu trong nước.

Cổ phiếu vừa và nhỏ tăng mạnh nhất

Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, VIC và VRE là hai cổ phiếu lớn giúp thị trường tăng điểm, sau đó là các mã PLX, FPT, MWG... khi duy trì tình trạng tích cực trong các phiên tiếp theo. Các cổ phiếu lớn khác như VCB, VHM, VNM nhìn chung đi ngang, nhưng vẫn có tác dụng giữ nhịp cho chỉ số. Theo đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục thu hút dòng tiền.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa tăng thêm 2,93%, nâng mức tăng giá sau 2 tuần lên hơn 6%. Dòng tiền lan tỏa tốt và luân phiên kiếm lời trên các cổ phiếu trong nhóm. Một số mã tăng giá mạnh là NHH (tăng 23,3%), DGC (tăng 16,86%), OGC (tăng 12,3%), QNS (tăng 11,89%), VCI (tăng 10,39%). Ở chiều ngược lại, mã DHT giảm 7,1%, DBC giảm 3,4%, do trước đó có một nhịp tăng dài.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có diễn biến giá tốt nhất, với mức tăng 4,99% - ghi nhận tuần giao dịch vượt mức đỉnh ngày 11/6.

Dòng tiền có sự lan tỏa tốt và diễn biến luân phiên sinh lời trên các cổ phiếu. Các mã thu hút dòng tiền mạnh là VCR (tăng 49,31%), TTF (tăng 22,55%), TAR (tăng 17,02%), JVC (tăng 15,08%), PET (tăng 14,02%), LHG (tăng 13,49%).

Nhiều cổ phiếu còn lại giao dịch trong trạng thái tích cực. Theo thống kê, hơn 88% số cổ phiếu trong nhóm có xu hướng tăng trong ngắn hạn.

Triển vọng vẫn khả quan

Thanh khoản cải thiện mạnh mẽ là dấu hiệu tích cực đối với xu hướng tăng của thị trường. Nhưng trong xu hướng tăng, thị trường cảnh giác với nguy cơ điều chỉnh, nên chỉ số có thể gặp vài phiên “rung lắc” ở vùng 880 điểm, với các phiên tăng giảm đan xen.

Nhiều ý kiến nhận định, VN-Index có thể tiến đến vùng kháng cự 895 - 900 điểm, trong đó các cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền. Theo đó, nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu, hoặc canh các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, nhất là đối với các mã đang có đà tăng tốt.

Tin bài liên quan