VN-Index có thể kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong tháng 8

VN-Index có thể kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại buổi hội thảo trực tuyến về Triển vọng vĩ mô thị trường tháng 8 được tổ chức ngày 5/8, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá thị trường tháng 7 và dự đoán thị trường tháng 8 và quý III/2021.

Thị trường vĩ mô tháng 8

BSC đã điều chỉnh giảm triển vọng GDP xuống 6,08%. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, đối với kịch bản tiêu cực, GDP ước tăng 5,29%; kịch bản rất tiêu cực, GDP ước tăng 4,65%.

Hoạt động kinh doanh sản xuất đang thích ứng tốt hơn với dịch bệnh. Trong tháng 7, lượng doanh nghiệp dừng kinh doanh dài hạn tiếp tục tăng mạnh tới 28,6% so với năm trước, giải thể tăng 27,4%, trong đó lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng chỉ 0,8%. Tình hình lao động công nghiệp giảm 0,4%, trong đó, ngành chế biến chế tạo âm 0,4%.

BSC kỳ vọng mức độ lây lan của dịch bệnh giảm, cộng với hoạt động tiêm chủng được đẩy mạnh là tiền đề hồi phục ngành tiêu dùng vào cuối năm 2021. Triển vọng trung hạn vẫn tích cực, kỳ vọng sản lượng tăng sau khi kết thúc giãn cách.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng yếu kém, giải ngân tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững triển vọng tăng trưởng, BSC kỳ vọng trong những tháng cuối năm, giải ngân ước đạt 466.700 tỷ đồng, điều kiện tích cực hơn nữa, giải ngân ước đạt 513.200 tỷ đồng.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, dịch bệnh bùng phát kéo dài tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, kéo theo việc không thể mở cửa trở lại trong quý III, sẽ tác động đến triển vọng của FDI. Năm 2021, FDI ước thực hiện tăng 7,77%.

BSC cũng đưa ra kỳ vọng cuối tháng 8 hoặc tháng 9, xuất khẩu sẽ tích cực trở lại, kéo cán cân thương mại quay lại xuất siêu trong những tháng cuối năm khi đẩy mạnh biện pháp giãn cách và tăng cường phân phối vaccine.

Đồng thời, ước tính CPI cuối quý III đạt mức 2,6 - 2,8% dựa trên các giả định như giá lợn dao động trong vùng giá 65.000 – 70.000 đồng/kg; giá dầu Brent dao động trong vùng 65 - 70 USD/thùng; giá điện tăng khi thời tiết trong giai đoạn nắng nóng và nền kinh tế hồi phục.

Hai kịch bản cho Thị trường Chứng khoán

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tô Quang Vinh, chuyên viên phân tích vĩ mô và thị trường của BSC cho biết, BSC dự báo thị trường chứng khoán quý III với hai kịch bản.

Kịch bản 1 là VN-Index duy trì hồi phục từ đáy ngắn hạn 1.243 điểm, tích lũy quanh 1.350 điểm và kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm.

Theo ông Vinh, kịch bản trên sẽ xảy ra trong trường hợp kiểm soát dịch bệnh sớm trong tháng 8, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và khối ngoại quay lại mua ròng là yếu tố nâng đỡ thị trường. Kịch bản này được đánh giá với xác suất khoảng 60%.

Việc kiểm soát dịch bệnh, biện pháp tăng cường giãn cách xã hội và tốc độ tiêm chủng là các yếu tố sẽ tác động đến thị trường. Kỳ vọng tiêm chủng quanh ngưỡng 250.000 – 350.000 liều/1 triệu người/ngày sẽ thúc đẩy kịch bản 1.

Kịch bản 2 kém tích cực hơn, đó là chỉ số VN-Index sẽ điều chỉnh sau nhịp hồi phục nhưng không giảm dưới 1.270 và sau đó tiếp tục duy trì xu hướng tăng.

Kịch bản 2 xảy ra nếu khả năng kiểm soát dịch bệnh không thuận lợi và khối ngoại không duy trì đà mua ròng như tháng 7. Kịch bản này được đánh giá với xác suất khoảng 40%.

Theo BSC, các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường quý III sẽ là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, duy trì chính sách tiền tệ, các giải pháp an sinh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định, ban hành và thực thi các chính sách mới cũng góp phần tích cực với thị trường trong thời gian tới.

Hơn nữa, giải pháp xử lý sự cố giao dịch trên HOSE thành công mở đường cho việc giao dịch lô 10 cổ phiếu trên HOSE sẽ tạo thuận lợi và tăng thanh khoản cho thị trường. Song song, khối ngoại quay lại mua ròng trong tháng 7, các quỹ ETF huy động vốn mới sẽ hỗ trợ thị trường.

BSC cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích (điện, nước, điện thoại, viễn thông…) và bán lẻ thực phẩm là nhóm ngành không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hội.

Ngoài ra, còn có các nhóm cổ phiếu khác như xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới hồi phục, điển hình như hóa chất, gỗ, đá, may mặc; nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới như nhóm ngành logistic gồm cảng biển, vận tải, kho bãi; nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt và giá đã điều chỉnh khá như ngân hàng, thép, chứng khoán.

Nhà đầu tư nên cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông.

Tin bài liên quan