VN-Index có thể đạt 1.361 điểm về cuối năm, tương đương P/E là 14,5 lần cho năm 2021

VN-Index có thể đạt 1.361 điểm về cuối năm, tương đương P/E là 14,5 lần cho năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) mới đây đã có báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021 với nhóm ngành khuyến nghị tích cực là ngân hàng, thép, cảng biển và chứng khoán.

Bức tranh 6 tháng đầu năm 2021

Tổng kết nửa đầu năm 2021, nhiều con số về kinh tế vĩ mô rất khả quan với GDP đạt tổng giá trị hơn 2.443 nghìn tỷ đồng, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, là một kết quả tốt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trên cả nước.

Các chỉ tiêu quan trọng khác cũng đều có sự khởi sắc như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt gần 2.464 nghìn tỷ đồng, tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái; Vốn đầu tư công đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%; tăng trưởng lạm phát chỉ 1,5%, mức thấp nhất kể từ 2016.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tác động rất xấu lên khu vực doanh nghiệp khi ghi nhận số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 22,1%, và số lượng giải thể tăng mạnh 33,8%.

Đối với riêng thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã tăng 27,6% trong 6 tháng 2021 (cao nhất tại 1.408,5 điểm), được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý I tích cực của các nhóm ngành, đặc biệt là ngân hàng, cùng triển vọng kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp thúc đẩy nhiều hơn các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) với số lượng tài khoản mở mới lên tới 620.000, cao hơn cả năm 2019 và năm 2020 cộng lại.

Dòng tiền hướng trên thị trường đã hướng mạnh vào các nhóm tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận như Ngân hàng, Chứng khoán, Tài nguyên cơ bản.

Các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù đẩy mạnh bán ròng 30.400 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0 khiến sức ảnh hưởng của dòng vốn ngoại suy giảm đáng kể. Hiện khối ngoại chỉ đóng góp 6,4% vào thanh khoản chung của thị trường.

Triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm

TVSI nhận định rằng, yếu tố tác động trực tiếp và nhanh nhất, mạnh nhất đến thị trường là lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong quý III do ảnh hưởng của Covid-19 khiến lãi suất cho vay khó tăng thêm, qua đó tạo điều kiện duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp và có thể chỉ tăng nhẹ 0,2-0,25 điểm phần trăm về cuối năm theo ước tính.

Vấn đề quan trọng khác khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm là margin. Theo đó, các công ty chứng khoán dự kiến sẽ huy động hơn 15.000 tỷ vốn trong năm 2021, góp phần cung ứng ra thị trường hơn 30.000 tỷ cho vay margin, giúp giải quyết được nút thắt về cho vay margin ở thời điểm hiện tại.

Tính tới cuối tháng 6/2021, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E là 19,2 lần, cao hơn mức bình quân 5 năm là 16,5 lần, nhưng thấp hơn mức đỉnh năm 2018 là 22 lần.

Mặc dù vậy, làn sóng Covid-19 bùng phát có thể khiến lợi nhuận nửa cuối năm của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng chậm lại và TVSI dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trên HOSE cho cả năm 2021 là 28% và VN-Index có thể đạt 1.361 điểm về cuối năm, tương đương P/E là 14,5 lần cho năm 2021.

Các rủi ro mà thị trường phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm nay đã được nhìn nhận và dự báo, như dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, lãi suất tiền gửi trong nước dự báo sẽ tăng nhẹ trong quý IV tới. Thêm vào đó, Fed có khả năng chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ, làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Quan trọng không kém là sự tham gia của nhà đầu tư “F0”, vốn thiếu tính chuyên nghiệp và chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông sẽ khiến thị trường xuất hiện những phản ứng thái quá.

TVSI nhận định, giai đoạn kiến tiền dễ dàng đã qua, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 và những doanh nghiệp sở hữu đặc điểm sau sẽ phù hợp để đầu tư trong giai đoạn khó khăn sắp tới là: Tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng hoạt động kinh doanh; Có vị thế tốt để tận dụng được sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; Hưởng lợi từ sự tăng giá mạnh mẽ của hàng hóa.

Do đó, một số nhóm ngành cổ phiếu được TVSI khuyến nghị nhà đầu tư trong 6 tháng cuối năm nay cần lưu tâm là công ty chứng khoán, ngân hàng, thép, cảng biển, đá ốp lát.

Đầu tiên là nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, khi nhóm này đã có sự vượt trội hơn hẳn so với VN-Index trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, P/E của nhiều cổ phiếu đã cao hơn đáng kể so với mức bình quân 5 năm gần nhất, cũng như vượt xa so với lúc thị trường đạt đỉnh trong quý I/2018.

Với định giá hiện tại không còn hấp dẫn, do đó hoạt động đầu tư vào ngành này chỉ được cân nhắc khi giá giảm về mức phù hợp.

"Chúng tôi cho rằng mức P/B 2 lần là hấp dẫn đối với các công ty đầu ngành như HCM, SSI, VCI.", báo cáo nhận định.

Nhóm cổ phiếu Thép cũng rất đáng lưu tâm nhờ chính sách đầu tư công, cũng như nhu cầu thế giới tăng, trong bối cảnh giá thép giữ ở mức cao sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của ngành, với hai mã đầu ngành là HPG, HSG.

Nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường là Ngân hàng dù nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với mối lo ngại tăng trưởng tín dụng chậm lại, cùng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 diễn ra từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, một số ngân hàng sẽ thực hiện việc trích lập toàn bộ dư nợ tái cơ cấu trong quý II, khi kết quả kinh doanh vẫn ở mức cao, nhờ đó nửa cuối năm lợi nhuận của các ngân hàng đó sẽ không bị bào mòn bởi chi phí dự phòng.

Theo đó, một số vẫn có tiềm năng tăng trưởng bền vững sẽ phù hợp để nắm giữ là TCB, MBB, TPB.

Nhóm cổ phiếu Cảng biển được hưởng lợi từ sự phục hồi giao thương của thế giới và phí dịch vụ cảng biển của Việt Nam hiện nay thấp hơn 40-80% so với các nước trong khu vực.

Việc tăng phí dịch vụ trong tương lai sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp khai thác cảng với các cổ phiếu đáng chú ý là HAH và SGP.

Cuối cùng là nhóm ngành Đá ốp lát nhờ hưởng lợi từ việc đá ốp lát gốc thạch anh của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bị áp thuế phòng vệ tại Mỹ. Ba quốc gia xuất này bị áp thuế đã tạo cơ hội giúp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 189% năm 2019 và 71% năm 2020.

Thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng mạnh 39,6% năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt năm 2021. Trong khi thị trường xuất khẩu cũng được kỳ vọng hồi phục trở lại trong năm nay.

Qua đó, nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng đối với cổ phiếu VSC, là tâm điểm với với việc mở rộng công suất nhà máy lên 3,5 triệu m2/năm trong đầu năm 2021, trở thành nhà cung cấp đá thạch anh lớn thứ 3 trên thế giới. Công ty có kế hoạch mở rộng công suất lên 5 triệu m2/năm vào năm 2024.

Tin bài liên quan