Dù thị trường tăng mạnh, nhưng lý do giải thích cho sự tăng này không có gì mới. Vẫn là chứng khoán có lợi thế hơn các kênh đầu tư khác (vàng, ngoại tệ, bất động sản); kỳ vọng vào sức bật của DN khi Việt Nam đàm phán thành công TPP; kỳ vọng nới tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư ngoại… Trong khi những lý do này được giới chuyên gia liên tục nhắc đến vài tháng nay, thì động lực thúc VN-Index vượt qua mốc 600 điểm có lẽ là thông điệp hạ lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước công bố vừa qua.
Xét trên sự tăng trưởng của các DN niêm yết, năm 2014, với các DN đã xác lập được thị trường tiêu thụ vững vàng thì có nhiều điểm lợi. Lãi suất thấp giúp chi phí vốn của DN rẻ hơn, cùng với đó thuế thu nhập DN thấp hơn (22% thay vì 25%), giúp DN được tích tụ vốn và có khả năng chia cổ tức cao hơn… Nhưng đó là những DN đã xác lập được thị trường tiêu thụ vững vàng, còn với đại đa số DN đang vẫy vùng trong khó khăn về hàng tồn kho, về thị trường tiêu thụ, về nợ nần…, thì lãi suất giảm, thuế giảm, nới room hay Việt Nam vào TPP… cũng khó giúp DN “đổi vận”.
Nhưng VN-Index tăng gần 20%, HNX-Index tăng 25% với thanh khoản 2 - 5 nghìn tỷ đồng/phiên cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ của chứng khoán Việt. Liệu sự khởi sắc này có bền?
Câu trả lời nằm ở chính xu hướng đầu tư ngắn hạn, đang ngày càng lấn lướt. Trước đây, nhà đầu tư tự tin khi sở hữu cổ phiếu của DN có cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Còn nay, sở hữu cổ phiếu có trong danh mục đầu tư của 2 quỹ ETF ngoại (tổng quy mô đầu tư khoảng 800 - 900 triệu USD) là “thời thượng” và toàn thị trường dường như đang theo sát danh mục của 2 quỹ này để “đảo” hàng cho tương xứng với sự thay đổi định kỳ của quỹ!
Ngoài việc ETFs ngoại “tung hoành” như một chỉ báo đầu tư, thì bản thân các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng đang xa dần hình thức đầu tư dài hạn. Xu hướng chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở buộc các quỹ đầu tư phải chọn tài sản thanh khoản cao, họ đang rút khỏi vai trò nhà đầu tư chiến lược, tham gia HĐQT với hoài bão tái cấu trúc DN, như trước.
Nhà quản lý đang hồi hộp dõi theo thị trường, như dõi theo sự bứt phá của một vận động viên non trẻ. Có người nói rằng, đường lên đỉnh 1.100 điểm còn xa, chưa có gì phải nghi ngại. Cũng có người cho rằng, chứng khoán đang lướt quá nhanh so với sự chuyển động của DN và nền kinh tế, nên rủi ro là tất yếu. Nhưng 600 điểm, chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường, là một thông điệp cho thấy, rủi ro nếu có, cũng còn xa.