Viwase: Cổ đông nghi ngờ phương án phát hành không minh bạch

Viwase: Cổ đông nghi ngờ phương án phát hành không minh bạch

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, CTCP Nước và môi trường Việt Nam (Viwase) đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành thêm. Một số cổ đông đã phản ứng gay gắt bởi phương án này dường như được đưa ra để tạo điều kiện cho một số cá nhân thâu tóm Công ty.

Với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, nhưng Viwase lại có nhiều lợi thế về đất đai. Đó là khu đất có diện tích 650 m2 mặt tiền phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều khu đất khác tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… Khi cổ phần hóa năm 2006, Công ty đã không tính giá trị lợi thế đất vào giá trị doanh nghiệp nên vốn điều lệ của Công ty chỉ có 21 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước chỉ có 11 tỷ đồng.

Mặc dù có lợi thế về đất đai cộng thêm bối cảnh kinh doanh của Công ty năm 2014 có nhiều thuận lợi như ngành xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản ấm lên, lãi suất giảm…, nhưng kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2014 lại sụt giảm. Cụ thể, doanh thu giảm 17% từ 113 tỷ đồng xuống còn 96,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 17% từ 9 tỷ đồng xuống còn 7,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm từ 3.297 đồng xuống còn 2.809 đồng.

Hiện nay, khu đất số 5, 7, 9 Đường Thành vẫn đang được Viwase sử dụng làm văn phòng, một phần diện tích không sử dụng hết được Công ty cho thuê lại. Theo báo cáo tài chính 2013 của Viwase, doanh thu từ hoạt động cho thuê cửa hàng, văn phòng của Công ty trong năm 2013 là 103 triệu đồng, năm 2014 là 136 triệu đồng. Tại ĐHCĐ thường niên 2014, khi cổ đông chất vấn về giá cho thuê kios của Công ty ở mặt phố Đường Thành, Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn không nhớ chính xác giá và chỉ nhớ khoảng 3 triệu đồng/tháng và 1- 1,5 triệu đồng/tháng (!)

Đáng chú ý, Viwase có các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 13,1 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ của Công ty, như đầu tư vào CTCP Đầu tư phát triển An Việt, CTCP Bất động sản An Việt, CTCP Bất động sản Lilama Land…, nhưng hiệu quả đầu tư rất thấp.

Trước bối cảnh kinh doanh như vậy, năm nay, Viwase đưa ra trình ĐHCĐ phương án phát hành thêm, theo đó, Công ty dự kiến tăng vốn từ 21 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng với giá 10.000 đồng/CP. Tờ trình có đưa ra nội dung: “Nếu cổ đông Nhà nước không mua số cổ phần phát hành thêm, Công ty xin phép được mua lại quyền mua cổ phần của Nhà nước để phân phối lại cho người lao động theo giá thực tế”.

Tại Đại hội, có cổ đông đã phản ứng mạnh mẽ với phương án phát hành bởi tờ trình tăng vốn điều lệ có thông tin quá sơ sài, ngắn ngủi trong 1 trang A4. Mục đích của phương án tăng vốn cũng không thỏa đáng, nhằm tiếp tục đầu tư vào CTCP An Việt, trong khi hiệu quả đầu tư vào An Việt những năm qua rất thấp, cổ tức chỉ khoảng 3%/năm.

Cổ đông cũng yêu cầu, nếu Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam - VNCC không thực hiện quyền mua thì Công ty cần bán đấu giá công khai quyền mua, chứ không thể phân phối cho cán bộ nhân viên Công ty như trong tờ trình. Bộ Tài chính cũng quy định, nếu cổ đông Nhà nước không mua thì phải thuê tư vấn định giá và bán công khai quyền mua. Trên thực tế, SCIC vẫn thường xuyên thực hiện bán đấu giá quyền mua khi doanh nghiệp phát hành thuộc diện SCIC không cần duy trì tỷ lệ sở hữu.

Phương án phát hành này khiến cổ đông đặt nghi vấn về chiêu thức lách luật để giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước ở Viwase phục vụ cho mưu đồ thâu tóm Công ty. Nhất là khi Viwase cấm cổ đông không được ghi âm và cung cấp tài liệu, thông tin về Đại hội cho người ngoài!(?) Điều này không chỉ đi ngược với tinh thần công khai, minh bạch trong công ty đại chúng, mà còn có dấu hiệu vi phạm quyền tự do cá nhân.

Mặc dù Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định rằng công ty đại chúng cần phải công bố trên website của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) các thông tin, trong đó có báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đồng thời phải đăng báo thông tin này, nhưng tìm trên website của UBCK chỉ có thông tin được công bố trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, vì cổ đông bên ngoài chỉ sở hữu tỷ lệ thấp nên phương án tăng vốn trên cũng như các tờ trình khác của HĐQT vẫn được thông qua.

Tin bài liên quan