VNM đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3%

VNM đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3%

Vinamilk vì thị phần hy sinh lợi nhuận

(ĐTCK) Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận chính là tâm điểm chất vấn tại ĐHCĐ của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk-VNM) cuối tuần qua.

Có lẽ vì đã quen với việc các kế hoạch kinh doanh cũng như lợi nhuận của công ty này luôn năm sau cao hơn năm trước, nên việc HĐQT trình kế hoạch lợi nhuận trước và sau thuế năm 2014 thấp hơn năm trước khiến khá nhiều cổ đông “sốc”.

Đại diện một công ty quản lý quỹ thắc mắc, năm 2014, Vinamilk đưa ra kế hoạch doanh thu tăng gần 15% nhưng tại sao lợi nhuận sau thuế lại giảm 8,28%? Câu hỏi này cũng là thắc mắc của rất nhiều cổ đông khác. Theo bà Mai  Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, kế hoạch này đã được HĐQT và các Giám đốc điều hành xem xét kỹ trước khi quyết định. Hiện sức mua đang giảm và sự cạnh tranh trên thị trường sữa vô cùng gay gắt…

“Chúng tôi muốn bằng mọi giá phải giữ được thị phần dù có thể phải hy sinh lợi nhuận”, bà Liên nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, một cổ đông khác chấn vấn: rất nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức kinh tế nhận định kinh tế năm 2014 đã có dấu hiệu khởi sắc. Vậy căn cứ vào đâu, Vinamilk đánh giá thị trường đang rất khó khăn?

“Nếu kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm sút như vậy thì thù lao của HĐQT và Ban giám đốc cũng nên giảm tương ứng”, một cổ đông khác gay gắt.

Giải tỏa những bức xúc này, bà Liên phân trần, TTCK và bất động sản có thể đang lên, nhưng ngành tiêu dùng vẫn đang đi xuống. Thực tế, quý I/2014, doanh thu của Công ty tăng, nhưng lợi nhuận giảm khoảng 8%. Sang tháng 4, doanh thu có đôi chút khả quan nên hy vọng tình hình kinh doanh quý II và những quý tiếp theo sẽ tốt hơn. Nếu thuận lợi, HĐQT sẽ trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

“Chúng tôi không lấy lý do khách quan để biện minh cho kế hoạch lợi nhuận thấp, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi hiểu là các cổ đông của Vinamilk đã quen với kế hoạch tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nên kế hoạch này đưa ra cũng hết sức khó khăn. Nhưng chúng ta phải vì mục tiêu xa hơn. Nếu 6 tháng đầu năm 2014 tình hình khả thi hơn, HĐQT sẽ xin điều chỉnh tăng kế hoạch”, bà Liên nói.

Đối với ý kiến giảm thù lao của Ban lãnh đạo, bà Liên cho rằng, mức thù lao này là hợp lý vì cũng không quá cao.

Có vẻ chưa thể chấp nhận được kế hoạch lợi nhuận của một công ty đầu ngành mà lại giảm sút như vậy, một cổ đông khác lên tiếng: phải chăng trước đây Vinamilk gần như độc quyền nên tăng trưởng cao, nhưng hiện nay thị trường này đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên tăng trưởng của Vinamilk chậm lại? Vậy Ban giám đốc đã có kế hoạch gì để phục hồi? Bà Liên cho biết, Vinamilk vẫn đầu tư mạnh vào marketing và bán hàng, đặc biệt là bán hàng qua online.

Dù vẫn còn rất nhiều tranh luận nhưng cuối cùng ĐHCĐ của Vinamilk cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với tổng doanh thu 36.298 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế 7.531 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3%. So với định hướng 2012 - 2016 đã được ĐHCĐ phê duyệt, thì tổng doanh thu giảm 1.832 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 351 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 273 tỷ đồng.

Năm 2013, tổng doanh thu của Vinamilk đạt 31.586 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 6.534 tỷ đồng, tăng 12%. Theo bà Liên, mặc dù mức tăng này thấp hơn mức tăng của các năm trước, nhưng lợi nhuận lại vượt 5% so với kế hoạch (tương đương vượt 304 tỷ đồng). Với kết quả này, nếu xét theo lũy kế chỉ tiêu lợi nhuận cho đến năm 2013 đã đạt được 95% so với kế hoạch tới năm 2016.      

Tin bài liên quan