Vinalines muốn nắm giữ 65% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Cảng Đà Nẵng và Cảng Hải Phòng. Trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Đức Thanh

Vinalines muốn nắm giữ 65% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Cảng Đà Nẵng và Cảng Hải Phòng. Trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Đức Thanh

Vinalines buông dần vận tải, quyết chi phối 3 cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn

Ba cảng biển trọng yếu (Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn) sẽ là những trụ cột kinh doanh quan trọng mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cần nắm giữ 65% vốn điều lệ.

3 trụ cột cảng biển

Sự kiên nhẫn là điều có thể hiểu được về đề xuất mới đây của Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc cho phép “ông lớn” ngành hàng hải được phép bỏ ra 247,5 tỷ đồng để mua 2.475.000 cổ phần trong tổng số 33 triệu cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (mã chứng khoán CDN).

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Vinalines có văn bản đề nghị cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước cho phép được mua toàn bộ số cổ phần sắp phát hành thêm, nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ nắm giữ 75% vốn điều lệ sau khi CND tăng vốn điều lệ từ 660 tỷ đồng lên 990 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ thêm 330 tỷ đồng sẽ giúp Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng – nơi Vinalines vẫn đang nắm 75% vốn điều lệ, có thêm nguồn lực để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn I, có tổng công suất lên tới 12 triệu tấn/năm.

Được biết, cảng Đà Nẵng nằm trong danh mục 3 cảng đầu mối quốc gia mà Vinalines sẽ tiếp tục nắm giữ 65% vốn điều lệ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Hai đầu mối còn lại mà Vinalines dự kiến nắm giữ 65% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (vốn điều lệ 3.269,6 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (vốn điều lệ 2.162,95 tỷ đồng).

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines, việc duy trì tỷ lệ vốn của Tổng công ty từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các cảng biển có vị thế trọng điểm quốc gia nhằm vừa đảm bảo quyền quyết định toàn bộ những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp cảng, góp phần cân bằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinalines, đồng thời vẫn mở ra cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tham gia đầu tư.

Dư địa để nhà đầu tư tham gia vào các cảng nói trên là khá lớn, bởi tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Vinalines tại cảng Hải Phòng là 92,56% và tại cảng Quy Nhơn là 75%.

Trước đó, cuối năm 2015, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa 11 công ty khai thác cảng thành viên, trong đó đến đầu năm 2017, Tổng công ty đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh.

Riêng Công ty cổ phần Cảng Nha Trang, sau khi hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2014, Vinalines đã thực hiện thoái một phần vốn nhà nước và chuyển giao toàn bộ phần vốn nhà nước về UBND tỉnh Khánh Hòa.

“Đây là những trường hợp hiếm hoi hoặc do lịch sử để lại, Vinalines phải buông quyền kiểm soát tại những cảng biển đầu mối đang làm ăn tốt”, một chuyên gia nhận định.

Các công ty cảng còn lại sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức cao, gồm: Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương (nắm 49% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương (nắm 51% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (nắm 51% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (nắm 51% vốn điều lệ)...

Trên thực tế, từ 3 - 4 năm nay, các khoản lợi nhuận do các cảng biển của Vinalines mang lại đã giúp ông lớn ngành hàng hải Việt Nam bù đắp các khoản thua lỗ lớn từ lĩnh vực vận tải biển.

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù bị giảm tới 10,6% doanh thu và 23,7% lợi nhuận, nhưng các cảng biển do Vinalines quản lý vẫn đem lại khoản lợi nhuận 307 tỷ đồng, bù đắp một phần khoản thua lỗ lên tới 904 tỷ đồng từ khối vận tải biển.

Buông dần vận tải

Trong khi đó, gánh nặng thua lỗ lớn và khả năng phục hồi của thị trường vận tải biển chậm là lý do khiến Vinalines phải giảm dần sự hiện diện tại các công ty vận tải biển thành viên.

“Mặc dù các doanh nghiệp vận tải biển đã thực hiện mọi giải pháp kiên quyết và sáng tạo để siết chặt chi phí, song do giá cước sụt giảm mạnh nên dù doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, lỗ từ lĩnh vực này vẫn ở mức rất cao (– 904 tỷ đồng)”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Cụ thể, trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, trong thời gian tới, Vinalines sẽ chỉ nắm 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải biến Việt Nam (Vosco) và 36% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship.

Cần phải nói thêm rằng, Vosco và Vinaship là 2 doanh nghiệp có quy mô đội tàu lớn của Vinalines. Vosco hiện sở hữu đội tàu 19 chiếc, với tổng trọng tải 470.646 DWT (chiếm tỷ lệ 22% trọng tải đội tàu Vinalines). Vinaship sở hữu đội tàu 10 chiếc với tống trọng tải 168.351 tấn (chiếm tỷ lệ 8% trọng tải đội tàu của Vinalines).

Tỷ lệ nắm giữ vốn của Vinalines tại các doanh nghiệp vận tải biển thành viên khác cũng sẽ được giảm sâu, trong đó Vitranschart và Đông Đô Marine giảm xuống dưới 36%; thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Nosco và Sesco.

6 tháng đầu năm 2017, các cảng biển do Vinalines quản lý vẫn đem lại khoản lợi nhuận 307 tỷ đồng

Trong khi chấp nhận buông dần vận tải biển, lãnh đạo Vinalines cho biết, Tổng công ty này sẽ tiếp tục duy trì nắm giữ tỷ lệ tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhằm phấn đấu trở thành nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ “chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Cụ thể, Vinalines muốn Bộ GTVT cho phép giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ tại các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải chủ chốt, đóng vai trò phát triển quan trọng trong chiến lược phát triển chuỗi dịch vụ logistics của Vinalines giai đoạn năm 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, bao gồm: Công ty cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam (56,72%), Công ty cổ phần Đại lý hàng hải Việt Nam (51,05%), Công ty cổ phần Phát triển hàng hải Việt Nam (51%).

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải này của Vinalines lãi 838 tỷ đồng, cùng với khoản lợi nhuận từ cảng biển đã giúp Tổng công ty đạt được lợi nhuận dương.

“Đây là những doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tương đối tốt phục vụ cho việc phát triển hoạt động logistics: hệ thống cơ sở hạ tầng (kho bãi) rộng lớn, phân bổ tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này đều tích lũy được những kinh nghiệm nhất định và vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển thành những doanh nghiệp dịch vụ logistics 3PL trong tương lai”, ông Sơn cho biết.

Tin bài liên quan