Ông Brook Taylor

Ông Brook Taylor

VinaCapital: Quỹ mở sẽ thống lĩnh các sản phẩm tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Brook Taylor, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết,  VinaCapital mong muốn sẽ cho ra đời thêm nhiều quỹ ETF trong tương lai. Hiện tại, VinaCapital chú trọng đến việc phát triển các quỹ mở vì quỹ mở có khả năng mang lại tỷ suất sinh lợi cao cho khách hàng và ít rủi ro hơn. 

Hơn 17 năm hoạt động và đồng hành cùng TTCK Việt Nam, VinaCapital là một trong những công ty quản lý quỹ hoạt động hiệu quả với tổng tài sản quản lý hơn 3 tỷ USD. Để có được thành công này, phương châm đầu tư VinaCapital là gì?

Là một công ty đầu tư, dĩ nhiên việc của chúng tôi là tìm kiếm các cơ hội. Khi mới thành lập vào năm 2003, cơ hội đầu tiên của chúng tôi là mang nguồn vốn nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư vào những doanh nghiệp tiềm năng.

Thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nên chiến lược của chúng tôi là đầu tư vào các công ty nội địa sản xuất hàng hóa cho tiêu dùng nội địa.

Bởi những công ty chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu thực sự chỉ cạnh tranh về giá, chứ không quan tâm đến thương hiệu hay chất lượng sản phẩm, như thế lợi nhuận từ những doanh nghiệp đó sẽ rất thấp.

Trong khi đó, những công ty có thương hiệu tốt và sản phẩm chất lượng tốt trong nước có thể điều tiết giá cả hợp lý và sẽ phát triển rất nhanh nếu được đầu tư vốn.

Chiến lược của chúng tôi được điều chỉnh theo thời gian vì những cơ hội cũng thay đổi theo thời gian.

Nguồn vốn huy động được từ các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước lớn dần. Cũng như vậy, chất lượng và quy mô của các doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện dần.

Thế nên, ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa, bây giờ chúng tôi còn đầu tư vào những công ty chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thật đáng mừng khi nhìn thấy nhiều công ty chiếm lĩnh được thị trường khu vực ở các ngành nghề mà họ đang kinh doanh.

Dưới góc độ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, VinaCapital đánh giá thế nào về các thách thức trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam?

Thách thức là ở việc làm sao để có thể tìm được lợi ích chung hoàn hảo nhất cho cả nhà đầu tư lẫn các cổ đông và công ty được đầu tư.

Ở các quốc gia khác, điều này thường đạt được dễ dàng dựa trên những đồng thuận về chiến lược và kế hoạch kinh doanh, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ thường phức tạp hơn. Mối quan hệ kinh doanh thường được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, thứ mà muốn có được bạn phải dành thời gian rất nhiều để vun đắp và tìm hiểu.

Thêm vào đó, chúng tôi còn phải nhìn vào động cơ cá nhân của các đối tác để xác định xem có phải họ, hay là thành viên gia đình họ, đang sở hữu một doanh nghiệp tốt và họ quản lý khoản đầu tư này như thế nào.

Được biết, VinaCapital tham gia vào HĐQT của nhiều doanh nghiệp và điều này tác động như thế nào đến công tác quản trị tại các doanh nghiệp này?

Chúng tôi chỉ tham gia vào hội đồng quản trị của các doanh nghiệp nếu nhìn thấy cơ hội có thể hỗ trợ cho sự phát triển kinh doanh của họ.

Những hỗ trợ này được “đo ni đóng giày” và có thể hỗ trợ ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ tư vấn chiến lược cho các ban, ngành đến việc tham gia trực tiếp vào bộ máy lãnh đạo trong thời gian ngắn hạn.

Chúng tôi cung cấp thêm đội ngũ chuyên gia quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến khả năng vận hành cũng như khả năng tiếp cận thị trường.

Đồng thời, hỗ trợ tuyển dụng nhân sự điều hành cấp cao, xây dựng kế hoạch sở hữu cổ phần của người lao động (ESOP), cải thiện hệ thống đo lường hiệu suất của doanh nghiệp, huy động vốn cũng như hỗ trợ công ty về quy trình niêm yết hoặc mua bán.

VinaCapital là công ty tiên phong trong phát triển các sản phẩm đầu tư hướng đến nhà đầu tư cá nhân (retail client). Thị trường đón nhận và đánh giá các sản phẩm này của VinaCapital như thế nào?

Sự đón nhận của thị trường bán lẻ đối với các sản phẩm quỹ mở và quỹ ETF vẫn chưa ở mức sôi động, nhưng chúng tôi tự tin rằng các sản phẩm này sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Trong vòng 20 năm qua, các sản phẩm tài chính bắt đầu nở rộ. Đầu tiên là tài khoản ngân hàng, sau đó là tài khoản môi giới, rồi thì bảo hiểm nhân thọ và các dịch vụ cho vay tiêu dùng. Tiếp theo sẽ là các sản phẩm quỹ tương hỗ.

Đây là xu hướng đã diễn ra ở các quốc gia phát triển khác. Những chính sách của nhà nước trong việc đẩy mạnh tiết kiệm cá nhân và trợ cấp hưu trí cho người Việt Nam sẽ hỗ trợ  sự phát triển của quỹ tương hỗ trong thời gian tới.

Cũng như bất kỳ sản phẩm mới nào, người tiêu dùng cần được phổ biến kiến thức để hiểu rõ về sản phẩm trước khi mua nó.Ông Brook Taylor

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy rằng, rất nhiều khách hàng đã mua sản phẩm chưa phù hợp với định hướng.

Sản phẩm của chúng tôi - các quỹ mở, quỹ ETF - phù hợp với các nhà đầu tư trung và dài hạn để đảm bảo mang lại mức sinh lời cao nhưng nhiều nhà đầu tư mua chúng cho một chu kỳ ngắn và bán đi.

Đó là lý do tại sao chúng tôi cần kết hợp chặt chẽ với các đối tác phân phối như ngân hàng, công ty chứng khoán để cung cấp kiến thức, định hướng và tư vấn đúng cho khách hàng.

Khi khách hàng hiểu đúng về sản phẩm và sử dụng phù hợp, họ sẽ nhận ra được những giá trị và lợi ích mà nó mang lại, sẽ cao hơn so với các sản phẩm tiết kiệm mà họ đang sử dụng.

Được biết, VinaCapital chuẩn bị gia nhập cuộc chơi ETF với việc thành lập quỹ VinaCapital VN100 ETF. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về quỹ mới?

VinaCapital VN100 ETF là quỹ hoán đổi danh mục với mục tiêu mô phỏng biến động của chỉ số tham chiếu VN100. Chỉ số VN100 là chỉ số thị trường được HOSE xây dựng, bao gồm 100 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao cùng với tỷ lệ tự do chuyển nhượng đáp ứng điều kiện tham gia vào bộ chỉ số.

Lý do VinaCapital chọn mô phỏng chỉ số VN100 vì chỉ số này bám sát chỉ số VN Index hơn so với các chỉ số khác.

Sự ra đời của Quỹ VinaCapital VN100 ETF sẽ mang lại cho nhà đầu tư một công cụ đầu tư hiệu quả với chi phí thấp.

Thêm vào đó, Quỹ ETF giúp nhà đầu tư tiếp cận được các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa vừa và lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sở dĩ có các công ty vừa trong rổ cổ phiếu là vì các công ty vừa có thể phát triển nhanh hơn các công ty lớn trong định kỳ trung và dài hạn.

Quỹ cũng giúp nhà đầu tư tiếp cận các công ty mới thông qua chương trình IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) hoặc cổ phần hóa. Những công ty này được đánh giá có tỷ lệ tăng trưởng mạnh so với các công ty lớn.

Ngoài việc có tính đại diện cao và mô phỏng tốt TTCK Việt Nam, chi phí quản lý của quỹ ETF VN100 thì rất thấp và quỹ không giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

VinaCapital đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của ngành quỹ? Phải chăng ETF lên ngôi trong các khi các loại hình quỹ khác dường như đang dần ít đi sự quan tâm của nhà đầu tư?

Sự ra đời của quỹ ETF là điều hiển nhiên đối với sự phát triển của TTCK. Quỹ có chi phí thấp, tỷ suất sinh lợi cao không kém các loại quỹ mở hay quỹ truyền thống khác. Chúng tôi dự đoán, trong vài năm tới, thị trường tài chính sẽ chào đón khoảng 3 đến 5 quỹ ETF được thành lập mỗi năm.

VinaCapital mong muốn sẽ cho ra đời thêm nhiều quỹ ETF trong tương lai. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chúng tôi chú trọng đến việc phát triển các quỹ mở vì các quỹ này có thể chủ động quản lý danh mục đầu tư và do đó sẽ mang lại tỷ suất sinh lợi cao hơn cho khách hàng và ít rủi ro hơn.

Như đã nói, chúng tôi mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư để cung cấp kiến thức giúp họ hiểu đúng về sản phẩm.

Chúng tôi cũng tiến tới mở rộng hình thức phân phối thông qua phương thức truyền thống lẫn áp dụng công nghệ để khách hàng có thể giao dịch và mua sản phẩm online.

Việc phân phối sản phẩm thông qua các ứng dụng online rất quan trọng vì phương thức này sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai. Không lâu nữa, khách hàng và nhà đầu tư sẽ thấy sản phẩm của chúng tôi trên các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trong thời gian tới.

VinaCapital có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng và hỗ trợ ngành quản lý quỹ phát triển nhanh hơn?

TTCK đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vòng 20 năm qua nhưng vẫn cần được cải thiện để nới rộng hơn và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Chẳng hạn, làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu là một trong những vấn đề mà chúng tôi nghĩ cần được thay đổi để TTCK Việt Nam có thể gia tăng cơ hội chuyển dịch từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index).

Điều này không chỉ giúp gia tăng hình ảnh của Việt Nam trên thị trường đầu tư thế giới, mà còn có thể giúp giảm chi phí sử dụng vốn cho doanh nghiệp - yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của họ.

Chúng tôi cũng mong muốn được nhìn thấy những nỗ lực từ các cơ quan quản lý trong việc thu hút các công ty mới lên sàn niêm yết. Lợi ích rõ nhất có thể thấy là giúp cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu ra công chúng đối những công ty nhà nước chưa có kế hoạch về việc này.

Chúng tôi cũng hy vọng có những chính sách khác để thu hút các công ty tư nhân vào TTCK, nhất là trước khi họ bán công ty cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Quá trình niêm yết thì không quá phức tạp nhưng vì một vài lý do nào đó, các chủ doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc được lên sàn. Nếu chúng ta tìm hiểu được nguyên do và có cách giải quyết, TTCK Việt Nam sẽ lớn mạnh rất nhanh trong những thập kỷ tới.

Tin bài liên quan