Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của VCF thì Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB), một Công ty con của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) – thuộc hệ thống Masan Group (MSN) với tỷ lệ nắm giữ lên tới 98,49%, tương ứng hơn 26,17 triệu cổ phiếu. Điều này dẫn tới việc VCF dù có chia hay không chia cổ tức cũng gần như không có ảnh hưởng gì tới Masan.
Đáng chú ý hơn, là mới đây MSB đã có thông báo đăng ký mua 401.000 cổ phiếu VCF, tỷ lệ 1,51%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 17/6 đến 16/7 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu mua vào thành công, MSB sẽ nâng tỉ lệ nắm giữ tại VCF lên tròn 100%.
Nhận định năm 2020 là một năm khó khăn, khi dịch bệnh Covid-19 mới được kiểm soát và doanh nghiệp phải vừa sản xuất vừa phải chống dịch hiệu quả, do đó, HĐQT Công ty đề ra 2 kế hoạch kinh doanh cho năm 2020.
Theo đó, phương án 1, VCF kỳ vọng đạt doanh thu thuần 3.300 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 780 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.
Phương án 2, VCF mục tiêu doanh thu thuần 3.150 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 725 tỷ đồng, tăng 6,5%.
Để hoàn thành các kế hoạch kinh doanh của năm, ban lãnh đạo VCF đề ra các chiến lược như đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, cũng như đẩy mạnh ngành hàng nước giải khát dựa trên sản phẩm chủ lực là cà phê.
VCF sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành cà phê hoà tan với hai nhãn hiệu chủ lực là Vinacafé và Wake-Up, giúp nước tăng lực vị café Wake-up Coffee 247 và Compact Cherry trở thành cột trụ tăng trưởng chính của ngành đồ uống thông qua việc xây dựng thương hiệu và gia tăng độ phủ, đồng thời thâm nhập sâu rộng hơn và mở rộng danh mục sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Trong quý I/2020, doanh thu thuần hợp nhất của VCF đạt 483 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng, cả hai khoản mục đều tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường, giá cổ phiếu VCF phiên sáng ngày 16/6 đang đứng ở mức 210.100 đồng/cổ phiếu, tăng 17% so với mức giá hồi đầu năm.