Những quan ngại về lộ thông tin cá nhân khiến người sử dụng ví điện tử ngại ngân khi tiến hành xác thực.
Chưa khóa triệt để, vẫn để chờ khách hàng xác thực
Sau 10 ngày thực hiện Thông tư 23/2019/TT - NHNN về xác thực tài khoản ví điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví điện tử Vimo (Tập đoàn Nextech) vẫn còn hơn 20% khách hàng chưa tiến hành xác thực thông tin người dùng. Có nhiều ký do khiến khách hàng không hoặc chưa tiến hành xác thực như không muốn xác thực vì sợ lộ, lọt thông tin, mất giấy tờ, ngại chụp ảnh, không biết cách xác thực…
“Đến nay, đối với các trường hợp chưa xác thực, chúng tôi tạm dừng hoạt động số tài khoản chưa tiến hành xác thực để hoàn thành xác thực theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhân viên của chúng tôi vẫn kiên trì gọi điện, nhắn tin hướng dẫn, thuyết phục người dùng tiến hành xác thực thông tin”, ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group nói.
Cũng giống như Vimo, ví điện tử ZaloPay, từ ngày 7/7 đến nay, hàng ngày đều gửi tin nhắn, gọi điện cho chủ ví để hướng dẫn, hỗ trợ người dùng xác thực.
“Chúng tôi chưa tiến hành khóa ví điện tử của người dùng mà vẫn đang tiến hành hỗ trợ người dùng một cách tối đa”, bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc ZaloPay cho hay.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cũng cho biết, tính đến nay, hàng chục triệu người dùng Ví MoMo đã hoàn tất thực hiện xác thực thông tin tài khoản. Một bộ phận nhỏ chưa xác thực hoặc xác thực, nhưng chưa đầy đủ thông tin sẽ được Momo tiếp tục truyền thông và hỗ trợ.
“Theo quy định của pháp luật Việt Nam, với những tài khoản chưa xác thực sau ngày 7/7/2020 sẽ bị hạn chế khi sử dụng dịch vụ ví. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể đang nhập ví, xem hóa đơn điện nước, kiểm tra giao dịch, nuôi Heo Đất... Toàn bộ tiền trong Ví MoMo vẫn được giữ nguyên và người dùng có thể rút về ngân hàng liên kết bất kỳ lúc nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dùng hoàn tất việc xác thực sau ngày 7/7. Sau khi xác thực xong, người dùng có thể sử dụng Ví Momo trở lại bình thường”, ông Diệp cho biết.
Đại diện ví Moca cũng cho biết, Moca đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất trong việc hoàn thành xác thực tài khoản ví điện tử. Bên cạnh đó, tổng đài của Moca hoạt động 24/7 để kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dùng trong quá trình thực hiện việc xác thực tài khoản.
Đề xuất cho thêm thời gian
Sau hơn 10 ngày thực hiện Thông tư 23/2019/TT-NHNN, đã xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh chưa có hướng dẫn. Điển hình là việc xử lý số tiền vẫn còn ở trong ví của khách hàng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Một số ví đã thực hiện linh động bằng cách cho chủ tài khoản dùng tiền mua thẻ điện thoại, thẻ game. Thậm chí, như ZaloPay còn bù thêm tiền để đủ mua thẻ nếu số tiền chưa đủ để tất toán cho khách hàng.
Theo đại diện các ví điện tử, việc phát triển một ví điện tử mất nhiều công sức, chi phí, cùng với đó, phần lớn khách hàng chưa xác thực ví là chưa “thông” chính sách, còn sợ bị dùng hình ảnh, thông tin vào mục đích khác nên các ví vẫn đang tạo điều kiện để khách hàng xác thực.
“Theo Thông tư 23/2019/TT - NHNN, đến ngày 7/7/2020, nếu tài khoản không xác thực sẽ bị khóa. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, do Covid-19 hoành hành, việc tuyên truyền cho khách hàng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn thời gian khóa ví chưa xác thực thêm 3-6 tháng để khách hàng tiến hành xác thực”, ông Phú đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Trương Cẩm Thanh cũng đề nghị cơ quan chức năng cho thêm thời gian để động viên, tuyên truyền khách hàng tiến hành xác thực.
“Chúng tôi cần thêm thời gian để khách hàng hiểu và tự nguyện xác thực. Việc xác thực chỉ mất 30 giây đến 1 phút, nhưng thời gian để họ hiểu và thực hiện có khi phải hàng tháng nên rất mong cơ quan chức năng cho kéo dài thời gian khóa tài khoản và có hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề phát sinh”, bà Thanh đề nghị.
Theo Công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị dịch vụ số châu Á (Solidiance), giá trị dịch vụ ví điện tử Việt Nam dự đoán đạt 7,8 tỷ USD trong năm 2020 với 10 triệu người sử dụng. Với khoảng 20 - 30% ví điện tử chưa xác thực, tương ứng với khoảng 2 - 3 triệu ví điện tử có nguy cơ bị khóa ví. Đây sẽ là một thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp và cả khách hàng có tiền bị kẹt trong ví. Chính vì vậy, rất cần có một hướng dẫn linh hoạt để giúp khách hàng và doanh nghiệp vừa thực hiện được chính sách nhưng cũng tránh bị thiệt hại.
Người dân không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin cho những người không tin tưởng, và chỉ sử dụng khi liên kết với các hệ thống chính thức của các tổ chức cung ứng trung gian thanh toán. Các tổ chức trung gian thanh toán có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng sau kê khai. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các thông tin người dùng ví điện tử phải cung cấp, gồm: họ tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; địa chỉ email; ảnh chụp mặt trước và sau của căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn thời hạn. Ngoài ra, một điểm bắt buộc khác là ví điện tử của người dùng cần phải được liên kết với tài khoản ngân hàng.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước