Viettel vẫn dẫn đầu thị trường Campuchia

Viettel vẫn dẫn đầu thị trường Campuchia

Metfone của Viettel đang cạnh tranh gay gắt, nhằm giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường Campuchia.

Cuộc chiến giành vị trí số 1

Năm 2010, sau 2 năm kinh doanh tại Campuchia, Metfone đã làm đảo lộn “cuộc chơi” ở đây khi trong 9 nhà mạng với hơn 6,3 triệu thuê bao tại Campuchia, Metfone giành  24,1% thị phần, chiếm  khoảng 1,7 triệu thuê bao.

Metfone lúc đó chỉ thua Mobitel của Tập đoàn Royal chiếm 37,7% thị phần, xếp “chiếu dưới” là Hello (12,8%), Mfone (9,6%). Đứng ở vị trí cuối bảng là các nhà mạng Star-Cell, Beeline và Smart Mobile (Smart Axiata của Malaysia) chỉ giữ 4 - 5% thị phần.

Hiện tại, Campuchia có khoảng gần 20 triệu thuê bao trên tổng số khoảng 16 triệu dân. Trong số này, Metfone dẫn đầu với 8,9 triệu thuê bao (gồm 5 triệu thuê bao phát sinh cước),  Smart Axiata bám sát với 7,4 triệu thuê bao và Cellcard của Tập đoàn Hoàng gia Campuchia xếp thứ 3 với 2,4 triệu thuê bao. Phần còn lại thuộc về 3 nhà mạng Qb, Seatel và Xinwei.

Cần phải nói thêm, sự lớn mạnh của Smart là do năm 2012 Smart đã mua lại Hello trong thương vụ trị giá 155 triệu USD. Năm 2016, Smart Axiata tuyên bố thu hút được 3 triệu thuê bao dữ liệu di động, còn con số tương ứng của Metfone là 1,6 triệu. Dường như, Smart Axiata đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách và đặt mục tiêu vượt lên trên Metfone.

Theo  ông Im Vutha, người phát ngôn Cục Viễn thông Campuchia, Metfone vẫn giữ được thế mạnh về dịch vụ đàm thoại, nhưng Smart Axiata đang tận dụng tốt phân khúc dữ liệu di động, nên được người dùng điện thoại thông minh ưa chuộng hơn.

Cuộc cạnh tranh diễn ra quyết liệt, thể hiện ở các gói cước. Khi Smart Axiata ra gói  nạp 1 USD nhắn tin được sử dụng 125 USD/7 ngày,  lập tức Metfone “trả đòn” bằng gói  nạp 1 USD được sử dụng 150 USD. Tiếp đó, Smart Axiata tăng 1 USD sử dụng 300 USD, Metfone liền cho ra gói  1USD dùng không giới hạn.

Thị trường viễn thông Campuchia không quản lý giá cước di động, nên các nhà mạng ra sức cạnh tranh và điều này có lợi cho người dân, nhưng cũng “bóp chết” các nhà mạng nhỏ. Điển hình là Mfone phải tuyên bố phá sản vào năm 2013.

“Cạnh tranh tại thị trường Campuchia hiện tại là cuộc cạnh tranh về chất lượng, về Data, chứ không phải về giá cước khi dịch vụ. Bởi giá cước đã quá rẻ, nên nhà mạng nào có chất lượng đường truyền tốt sẽ chiến thắng”, ông Nguyễn Cảnh Hoà, Phó tổng giám đốc Metfone cho biết.

Metfone đầu tư mạnh cho hạ tầng

Metfone là nhà mạng tại thị trường nước ngoài được Viettel đầu tư vào năm 2006 với chiến lược “hạ tầng đi trước và rộng khắp”.

Hiện tại, Metfone là nhà mạng có hạ tầng viễn thông tốt nhất Campuchia với hệ thống cáp quang đạt 20.735 km, phủ đến 100% huyện và 98% xã, cùng 9.014 trạm BTS 2G, 3G và 4G. Metfone cũng là nhà mạng duy nhất tại Campuchia sử dụng công nghệ truyền tải Metro Ethernet Full-MPLS tiên tiến nhất thế giới, phủ khắp 25 tỉnh, thành phố, hỗ trợ băng thông tới 1Gbps và đạt hơn 400.000 thuê bao 4G... Đây cũng là nhà mạng “chịu khó” bám thị trường nhất bằng chính cách “bán tận tay khách hàng”, khiến lượng thuê bao phát triển mạnh mẽ.

Anh Vũ Minh Thanh, Giám đốc Metfone Siêm Riệp cho biết: “Các nhà mạng khác chỉ bán hàng qua các đại lý, còn Metfone thường xuyên bán hàng di động, kể cả vùng sâu vùng xa. Anh em xuống tận điểm cắm trạm, bán đủ thuê bao phủ sóng điểm cắm trạm đó mới về. Nhờ cách thức này, đến hết tháng 6/2016, thuê bao của Siêm Riệp tăng 26.000 (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015), doanh thu đạt 5,7 triệu USD (tăng 7%)”.

Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội

Với triết lý “kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”, Metfone đã có những đóng góp quan trọng trong cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống  cho mọi người dân, nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Campuchia.

Metfone đã hỗ trợ Chính phủ Campuchia xây dựng  chính phủ điện tử, chính quyền thông minh, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia nước này xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng. Lũy kế đến hết năm 2016, Metfone đã nộp thuế cho Chính phủ Campuchia gần 400 triệu USD. Đồng thời, đầu tư 5 triệu USD triển khai hệ thống Internet trường học và tham gia hàng loạt hoạt động  xã hội từ thiện.

Không chỉ mang lại cơ hội phổ cập viễn thông cho mọi tầng lớp xã hội, Metfone còn tạo ra hơn 3.000 công ăn, việc làm cho người dân Campuchia có thu nhập ổn định, trực tiếp góp phần vào ổn định an sinh xã hội.

Metfone là thị trường đầu tiên và duy nhất của Viettel đầu tư 3 năm là có lãi.
Năm 2011, Viettel chuyển lợi nhuận về nước hơn 40 triệu USD, lớn hơn số tiền mà Viettel đầu tư vào thị trường Campuchia.
Đến nay, Metfone đã thu hồi hết vốn cho Viettel, đem lại lợi nhuận về nước hơn 200 triệu USD, gấp hơn 5 lần vốn đầu tư.
Năm 2016, Metfone đạt tổng doanh thu hơn 240 triệu USD.
Năm 2016, theo xếp hạng của Brand Finance (Anh), Metfone tiếp tục nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị trong khu vực, giá trị thương hiệu Metfone khoảng 94 triệu USD năm 2016.

Tin bài liên quan