Theo VietCredit, do tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành ngân hàng, tài chính tiêu dùng và các doanh nghiệp theo từng cấp độ khác nhau, nên Công ty tiếp tục chọn cách lên kế hoạch kinh doanh theo kịch bản, nhằm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 và được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện tại, chủ yếu thể hiện tính thận trọng.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, VietCredit đã lên kế hoạch kinh doanh cuối năm 2019 với mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng cho năm nay. Hiện tại, dựa trên những đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giớí nói chung và Việt Nam nói riêng, HĐQT VietCredit đã họp và thống nhất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để trình ĐHCĐ trong ngày 25/6 tới theo kịch bản tăng trưởng dư nợ lên 3.300 tỷ đồng (trước xóa nợ).
Tại kịch bản giả định với nền kinh tế phục hồi, tâm lý người dân ổn định, các chính sách vĩ mô tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, dòng vốn giữa các định chế tài chính luân chuyển bình thường và các ngành dịch vụ hoạt động trở lại như trước dịch Covid-19, HĐQT VietCredit phấn đấu đạt được mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt 1.086 tỷ dồng và 18 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 31/12/2019, VietCredit công bố thông tin việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua định hướng kinh doanh của Công ty giai đoạn 2019-2023.
Theo đó, VietCredit đặt mục tiêu tổng tài sản 2019 - 2023 tăng từ 3.070 tỷ đồng lên 9.816 tỷ đồng, trong đó dư nợ thẻ 1.930 tỷ đồng lên 9.549 tỷ đồng; vốn huy động từ tổ chức tài chính khác tăng từ 792 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng; vốn huy động từ phát hành chứng chỉ tiền gửi từ 1.286 tỷ đồng lên 7.294 tỷ đồng; vốn điều lệ từ 688 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Với tốc độ tăng trưởng tài sản giả định trên, doanh thu VietCredit tăng trưởng dự kiến nhanh trong năm 2020 lên mức 1.372 tỷ đồng và tiếp tục tăng trưởng lên mức 3.305 tỷ đồng vào năm 2023. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu doanh thu lần lượt 181%, 52%, 29% và 23% theo các năm 2020 - 2023.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng từ gần 13,4 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng vào năm 2020 và lên 105 tỷ đồng vào 2023 (gấp 8 lần so với năm 2019).
VietCredit nhận định, với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến trong các năm 2020, 2021, 2022, phần lợi nhuận tạo ra đủ để giúp công ty thực hiện việc bán thanh lý 5 tàu biển đang là tài sản xử lý nợ.
5 tàu biển này là tài sản mà VietCredit đã thu hồi thông qua việc cấn trừ công nợ giữa Công ty Tài chính cổ phần Xi Măng CFC (tiền thân của VietCredit), Công ty Cho thuê Tài chính 1- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC1) và 4 khách hàng tài chính của Công ty ALC1.
Từ năm 2013, CFC đã sở hữu 5 con tàu, trong đó có 3 con tàu đã hoàn thiện và 2 tàu chưa có đối tác để tiến hành hợp tác kinh doanh cũng như cho thuê tàu để bù đắp một phần chi phí khấu hao. Đối với tàu chưa hoàn thiện, Công ty đang tiến hành hoàn thiện tàu CFC05 và giữ nguyên hiện trang tàu CFC04.
Trong suốt giai đoạn này, thị trường tàu biển không có nhiều khởi sắc, cũng như kết quả kinh doanh của VietCredit chưa đảm bảo để có thể bán xử lý tàu.
Việc bán xử lý tàu khi cho phép nằm trong kế hoạch xử lý nợ của VietCredit được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tại đề án tái cơ cấu số 468 ngày 13/7/2018.
Năm 2021 với kết quả kinh doanh dự kiến khả quan, VietCredit có thể bán 2 con tàu, năm 2022 có thể bán con tàu còn lại. Sau khi bán thanh lý tài và ghi nhận lỗ trong kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của VietCredit dự kiến vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt đạt 45 tỷ đồng, 61 tỷ đồng và 82 tỷ đồng cho các năm 2020, 2021, 2022.
Thế nhưng, do ảnh hưởng bởi đại dịch, VietCredit phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh 2020 và chưa đưa ra kịch bản cho các năm tiếp theo như dự kiến ban đầu nói trên.
Ngày 18/6/2018, NHNN đã cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company). VietCredit được thực hiện các hoạt động của công ty tài chính tổng hợp theo quy định của pháp luật và của NHNN. Công ty cho vay tiêu dùng chủ yếu qua thẻ.