Theo ông Thành, việc thoái vốn này là để thực hiện quy định của pháp luật là một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác.
Trong 5 tổ chức tài chính mà Vietcombank sở hữu cổ phần, thì 3 tổ chức gồm OCB, Saigonbank và Tài chính Xi măng, giá trị nắm giữ khoảng 100 tỷ đồng và bản thân Vietcombank muốn thoái vốn từ lâu nhưng do thanh khoản yếu nên chưa thực hiện được.
Dù khó bán nhưng Vietcombank vẫn đặt mục tiêu thoái 3 khoản này ngay trong 2 tháng cuối năm 2017.
Cụ thể, ngày 20/11 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ bán đấu giá phần vốn góp 66 tỷ đồng (6,6 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 10,9% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) với mức giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần.
Cùng ngày, Vietcombank thoái sẽ phần vốn góp 132,5 tỷ đồng, tương đương 4,3% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương (SaigonBank) với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần.
Với khoản góp vốn tại MB và Eximbank, theo ông Thành, đây là 2 khoản đầu tư giá trị nhất với Vietcombank, nếu thoái vốn sẽ giúp Vietcombank mang về khoản lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hiện Vietcombank nắm giữ 7% vốn điều lệ của Ngân hàng Quân đội (giá hết phiên sáng 13/11 là 23.300 đồng/CP) và 8,19% cổ phần tại Eximbank (giá hết phiên sáng 13/11 là 11.000 đồng/CP).
Theo kế hoạch, việc thoái vốn tại MB và Eximbank sẽ thực hiện vào tháng 1/2018. Lý do là để kết toán khoản lợi nhuận khá lớn này vào sang năm, chứ không phải năm nay, khi Vietcombank dự kiến đạt mức lãi cao nhất trong lịch sử.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trước dự phòng của Vietcombank đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ 2016, thực hiện 80,9% kế hoạch 2017.
Dự kiến cả năm, Vietcombank chắc chắn vượt mức kế hoạch mà Đại hội cổ đông đặt ra là 9.200 tỷ đồng. Rất có thể, đây sẽ là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt mốc lợi nhận 5 con số (trên 10.000 tỷ đồng)
Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).