Vietcombank sẽ tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng, 3 gương mặt mới tham gia Hội đồng quan trị

Vietcombank sẽ tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng, 3 gương mặt mới tham gia Hội đồng quan trị

(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank (VCB) đang tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận.

Nội dung tường thuật

08:55 28/04

Theo danh sách chốt cổ đông ngày 15/3/2017 để tổ chức ĐHCĐ, tổng số cổ đông của Vietcombank là 24.080 cổ đông, đại diện cho 3.597 triệu cổ phần. Đến thời điểm bắt đầu Đại hội, có 242 cổ đông tham dự, đại diện cho 3.448 cổ đông, đạt tỷ lệ 94,7% tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại hội đã bầu Ban chủ tọa bao gồm ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, đại diện 30% vốn Nhà nước tại Vietcombank và bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT.

Tính đến cuối năm 2016, Vietcombank có tổng tài sản đạt 787.907 tỷ đồng tính đến hết 31/12/2016, tăng hơn 16% so với năm 2015. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 48.102 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm 2015 trong đó lợi nhuận chưa phân phối đạt 5.831 tỷ đồng.

Tại Đại hội năm nay, ngoài nội dung thường lệ như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016, kế hoạch 2017, thông qua BCTC đã kiểm toán..., Vietcombank sẽ xin ý kiến cổ đông 2 nội dung quan trọng là tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng và bầu bổ sung thành viên HĐQT.

09:07 28/04

Sau khi Ban tổ chức Đại hội công bố quy chế Đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày với Đại hội báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2016, định hướng năm 2017.

Đánh giá về bối cảnh kinh tế thế giới, HĐQT Vietcombank cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 chậm lại do nhiều yếu tố như diễn biến thị trường hàng hóa không thuận lợi, chính sách tiền tệ nhiều nước phát triển nởi lỏng... Trong năm, biến động chính trị lớn như Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ làm gia tăng thêm bất ổn cho nền kinh tế.

Ở Việt Nam, năm 2016, kinh tế nước ta đối mặt với những khó khăn bởi tình hình phức tạp của thế giới và điều kiện không thuận lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, đạt 6,21% giảm so với mức 6,68%.

Ngành ngân hàng tăng trưởng ổn định, hoàn thành các mục tiêu đề ra như góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động  của các tổ chức tín dụng.
09:12 28/04

Tại Vietcombank, năm 2016, đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHCĐ giao, dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, các chỉ số an toàn được bảo đảm.

Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất hoàn tất việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC, đồng thời đạt 8.523 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 25%, cao nhất từ năm 2009 đến nay và cao nhất trong ngành ngân hàng.
09:24 28/04

Về mạng lưới, VCB có thêm 5 chi nhánh mới và thành lập các bộ phận chức năng quan trọng tại khu vực phía Nam như Văn phòng đại diện Vietcombank, bộ phận khách hàng doanh nghiệp, bộ phận Công nợ.

VCB triển khai các thủ tục để thành lập công ty kiều hối và chi nhánh tại Lào. 

Về các chỉ tiêu, hết 2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 787.907 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 460.808 tỷ đồng, huy động vốn đạt 600.737 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.523 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,46%, mức chi trả cổ tức tối đa 8%. 
09:29 28/04

Năm 2017, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.200 tỷ đồng, duy trì mức cổ tức 8%. Về tăng trưởng tín dụng, VCB đặt mục tiêu tăng trưởng 15%.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng 16% cho năm 2017 đối với các ngân hàng TMCP Nhà nước, giảm so với mức 18% của năm trước.

“Đây là chỉ tiêu cứng và Vietcombank sẽ tuân thủ đúng định hướng của Ngân hàng nhà nước. Mức 15% đề ra phù hợp với định hướng này”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.
09:37 28/04

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc trình bày báo cáo của Ban điều hành về Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 và định hướng kinh doanh 2017.

Năm 2016, huy động vốn vượt kế hoạch đặt ra, tăng đều cả ở khu vực dân cư và các tổ chức kinh tế. Cơ cấu nguồn vốn huy động dịch chuyển phù hợp với định hướng của ngân hàng, tỷ trọng nguồn vốn dân cư là 55,38%, nguồn vốn từ các tổ chức kinh tế chiếm 44,6%.

Dư nợ cho vay khách hàng cao hơn mức bình quân của hệ thống, đạt 460.808 tỷ đồng. Tín dụng cho các tổ chức kinh tế đã tăng chậm lại, dư nợ cho khách hàng thể nhân tăng mạnh ở mức 48,5%.
09:55 28/04

Ông Dũng thông tin tiếp, chất lượng tín dụng được cải thiện, dư nợ nhóm 2 giảm 15,5%. Dư nợ xấu nội bảng giảm 2,8%. Tỷ lệ nợ xấu là 1,46%, thấp hơn mức kế hoạch dưới 2,5%.

Các hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại tăng 12,7%, thị phần tăng lên chiếm 15,4%.

Dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt 1,64 tỷ USD.

Vietcombank tiếp tục là tổ chức tín dụng có mức vốn hóa cao nhất thị trường, cổ phiếu VCB có thị giá cao nhất ngành ngân hàng.

Năm 2016, Ban lãnh đạo Vietcombank thường xuyên tổ chức các đoàn công tác tại 7 vùng kinh tế trọng điểm để rà soát, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện của các chi nhánh. Áp dụng có hiệu quả kết quả của Dự án KPI vào việc xây dựng, giao và đánh giá kế hoạch cho các chi nhánh, phòng ban, trung tâm tại trụ sở chính.

Đáng chú ý, việc hợp tác với Mizuho đã kết thúc giai đoạn 5 năm hạn chế chuyển nhượng. Mizuho cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa 2 ngân hàng và ký kết các hợp đồng hợp tác mới.

Năm 2017, Vietcombank sẽ có sự thay đổi trong phương châm hành động. Từ “Tăng tốc - Hiệu quả - Bền vững” thành “Chuyển đổi – Hiệu quả - Bền vững”. Thay vì tăng tốc nhờ phát triển quy mô sẽ chuyển sang phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng nhờ sự chuyển đổ:i tăng cường hoạt động dịch vụ thu phí và các hoạt động đầu tư khác.

10:10 28/04

Ban Kiểm soát cũng giám sát việc thực hiện các Nghị quyết ĐHCĐ, kiểm toán nội bộ, thẩm định BCTC bán niên, BCTC năm...

Ban Kiểm soát đánh giá về việc thiết kế các chốt kiểm soát trong các quy trình nghiệp vụ khá đầy đủ, các quy trình đều có đều có các chốt chặn kiểm soát tại các điểm quan trọng của quy trình. Đảm bảo mọi hoạt động có khả năng phát sinh rủi ro đều có ít nhất 2 cán bộ tham gia, tuân thủ nguyên tắc “2 tay 4 mắt” để phòng ngửa rủi ro, gian lận.

Tuy nhiên, vẫn còn chốt kiểm soát chưa thực sự hiệu quả, không đạt được hiệu quả phòng ngừa do cán bộ không thực hiện đúng, đủ quy trình hoặc do thiếu nhân sự nên một số tồn tại, sai sót trong quá trình nghiệp vụ vẫn xảy ra.

Năm 2017, Ban Kiểm soát sẽ thẩm định BCTC bán niên, BCTC năm, soát xét số liệu hàng tháng, hàng quý với các khoản mục lớn như các khoản vốn góp, liên doanh cổ phần, các khoản kinh doanh tiền gửi, tiền vay ngoại tệ lớn, đầu tư mua sắm tài sản và dự phòng rủi ro.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ khác như giám sát hoạt động kinh doanh, quản lý, kiểm toán nội bộ...
10:29 28/04

Theo Tờ tình phương án phân phối lợi nhuận do Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng trình bày, Viecombank chia cổ tức 8%.

Mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát theo Nghị quyết ĐHCĐ 2016 đã phê duyêt 0,35% lợi nhuận sau thuế, tương ứng với gần 24 tỷ đồng.

Số tiền thực tế đã chi là 14,5 tỷ đồng.

10:30 28/04

Kết thúc phần báo cáo, Đại hội chuyển qua phần bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Ngân hàng Nhật Bản Mizuho, đối tác chiến lược của Viecombank đã đề nghị thay đổi người đại diện tại Viecombank. Theo đó, ông Yukata Abe hiện đang là thành viên HĐQT Viecombank sẽ từ nhiệm. Mizuho sẽ đề cử nhân sự khác tham gia HĐQT Viecombank nhiệm kỳ 2013 -2018.

Ông Eiji Sasaki, người đại diện mới của Mizuho, sinh năm 1962, từng theo học tại Đại học State University of New York.

Ông Eiji Sasaki làm việc tại Mizuho từ năm 2008 với cương vị ban đầu là Phó giám đốc Ban phụ trách kinh doanh quốc tế và tài trợ thương mại.

Trước khi được cử tham gia vào HĐQT Viecombank, ông Eiji Sasaki là Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực châu Á, Ban điều phối nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu Ngân hàng Mizuho.
10:41 28/04

Các cổ đông đã bỏ phiếu miễn nhiệm thành viên HĐQT Yukata Abe và bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT.

Vietcombank sẽ tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng, 3 gương mặt mới tham gia Hội đồng quan trị ảnh 1

Ngoài ông Eiji, nhân sự do Mizuho đề cử, hai ứng viên còn lại là ông Phạm Anh Tuấn (SN 1966) và ông Nguyễn Mỹ Hào (SN 1963).

Ông Phạm Anh Tuấn hiện là Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ Vietcombank. Ông Nguyễn Mỹ Hào hiện là Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Sở Giao dịch.

10:55 28/04

Đại hội nghe tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ

Theo phương án trình Đại hội, Vietcombank sẽ phát hành thêm cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với quy mô 10% vốn điều lệ.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ chào bán 357.776.857 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng. Mức vốn điều lệ sau phát hành là 39.575 tỷ đồng.

Nếu chào bán công chúng, đối tượng phát hành là tất cả cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài. Nếu chào bán riêng lẻ, sẽ phát hành cho các nhà đầu tư tổ chức có năng lực tài chính có thể bao gồm cả cổ đông hiện hữu của VCB, tối đa 10 nhà đầu tư.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá định giá và giá đóng cửa VCB phiên giao dịch liền trước ngày phát hành.

Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Thời gian thực hiện dự kiến năm 2017 -2018, thời điểm cụ thể, HĐQT đề nghị ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn, quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Vốn tăng thêm được sử dụng cho một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, xây trụ sở làm việc...; tăng vốn góp vào một số đơn vị và góp vốn dự án khác; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác; tăng vốn điều lệ để chuẩn bị cho khả năng M&A.

Theo HĐQT Vietcombank, việc tăng vốn nhằm thực hiện tầm nhìn chiến lược xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, 1 trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới.

11:12 28/04

Đại hội chuyển sang phần biểu quyết.

Các cổ đông đã giơ phiếu biểu quyết đối với các báo cáo, các tờ trình.

Kết quả kiểm phiếu, 3 ứng viên HĐQT đã trúng cử. HĐQT Vietcombank sẽ có 9 thành viên trong đó có 3 thành viên mới là ông Eiji Sasaki, ông Nguyễn Mỹ Hòa, ông Phạm Anh Dũng.

11:42 28/04

Cổ đông: Xin cho biết số lượng khách hàng hiện tại và kế hoạch tăng lượng khách hàng trong những năm tới của Ngân hàng?

Ông Phạm Quang Dũng: Khách hàng định chế tài chính là thế mạnh của VCB, một phần cho VND và phần lớn cho USD. Toàn bộ định chế tài chính trong nước đều có tài khoản thanh toán ngoại tệ tại VCB. VCB cũng có quan hệ với nhiều định chế nước ngoài. Năm nay, VCB tập trung tăng cường phát triển khối khách hàng này.

Khách hàng doanh nghiệp, VCB đã tiến hành chia phân khúc, phân hạng khách hàng thành 3 nhóm. Trong đó, khách hàng lớn 1.000 đơn vị, khách hàng vừa khoảng 7.000, còn khách hàng nhỏ thì hàng chục nghìn. Để đẩy mạnh khai thác, VCB giao kế hoạch cho các chi nhánh phát triển khách hàng.

Hiện Vietcombank có 11 triệu khách hàng cá nhân. Mục tiêu năm nay phát triển thêm hơn 1 triệu khách hàng cá nhân. Đây là số lượng khách hàng cá nhân cao nhất trong hệ thống ngân hàng và cũng có số lượng khách hàng cá nhân sử dụng thường xuyên cao nhất.

Cổ đổng: Các ngân hàng hiện đang tập trung vào phát triển ngân hàng số. VCB phát triển đến đâu?

Ông Dũng: Đối với việc phát triển ngân hàng số, VCB đã có kế hoạch và tiếp tục triển khai thời gian tới. Năm 2016, VCB đã thành lập Phòng dịch vụ ngân hàng điện tử. Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển ngân hàng số, hướng tới đến năm 2020 tăng tỷ trọng cung ứng dịch vụ trên kênh công nghệ số và chuyển dịch vụ tại quầy lên dịch vụ số.

Ngay trong quý I/2017, VCB đã ra mắt sản phẩm mobile banking mới.

11:58 28/04

Sau phần hỏi đáp không có nhiều điểm đáng chú ý, Đại hội chuyển sang phần biểu quyết

Các cổ đông đã giơ phiếu biểu quyết đối với các báo cáo, các tờ trình.

Vietcombank sẽ tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng, 3 gương mặt mới tham gia Hội đồng quan trị ảnh 2 

Kết quả kiểm phiếu, 3 ứng viên HĐQT đã trúng cử. HĐQT Vietcombank sẽ có 9 thành viên trong đó có 3 thành viên mới là ông Eiji Sasaki, ông Nguyễn Mỹ Hòa, ông Phạm Anh Dũng.

Tin bài liên quan