Vietcombank cân nhắc sử dụng M&A để tăng nhanh quy mô hoạt động

Vietcombank cân nhắc sử dụng M&A để tăng nhanh quy mô hoạt động

(ĐTCK) Là ngân hàng có bề dày truyền thống thứ hai tại Việt Nam với hơn 50 năm hoạt động, nửa thế kỷ qua, Vietcombank luôn duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu hệ thống ngân hàng thương mại. Mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam và có tầm cỡ trong khu vực đã được Vietcombank đặt ra, phù hợp với mục tiêu của Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã có những chia sẻ của mình về nội dung này, đặc biệt là kế hoạch M&A để nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động.

Xin ông cho biết một số kết quả bước đầu trong thực hiện kế hoạch kinh doanh 2014 và quyết tâm của Vietcombank trong những tháng còn lại của năm nay?

Mặc dù tình hình vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh quý I/2014 của VCB đã tiếp tục có những tín hiệu khả quan: huy động vốn từ nền kinh tế (không bao gồm BHXH) đạt 344.527 tỷ đồng, tăng 3,92% so với đầu năm; dư nợ tín dụng (bao gồm TPDN) đạt 279.980 tỷ đồng, tăng 1,71% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,65%; doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 10,35 tỷ USD, tăng 10,27% so với cùng kỳ; dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt 0,32 tỷ USD, tăng 2,93% so với cùng kỳ; các chỉ tiêu kinh doanh thẻ và bán lẻ đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận trước trích dự phòng rủi ro quý I/2014 đạt 2.618 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2013.                  

Để đạt hoàn thành những mục tiêu kế hoạch đã đặt ra, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt hoạt động kinh doanh với các trọng tâm: thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc vừa đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, kiên quyết không hạ chuẩn cho vay; tích cực tìm mọi biện pháp thu hồi nợ đã xử lý DPRR; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, giữ vững thị phần; rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính của Ngân hàng và công ty con để nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh công tác khách hàng, coi công tác phát triển khách hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ của các Dự án nâng cao năng lực hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển mạng lưới;  đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, quản trị hệ thống và các công tác khác.

Tại Nghị quyết 15 của Chính phủ vừa qua, NHTM nhà nước được xác định là một trong những đối tượng có thể mua lại phần vốn thoái của các DNNN tại các ngân hàng và công ty tài chính, Vietcomank đã có kế hoạch gì cho vấn đề này chưa? Triển vọng và các khó khăn đặt ra liên quan đến vấn đề này là gì?

Có thể nói, Nghị Quyết 15 vừa qua về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ là một bước ngoặt tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính. Đồng thời, đây cũng cơ hội cho các NHTM nhà nước trong trong việc tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A). Những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu DNNN nói chung cũng như tái cơ cấu ngành ngân hàng nói riêng.

Định hướng của NHNN là xây dựng Vietcombank là trở thành ngân hàng số 1 trên thị trường. Đây cũng là mục tiêu chiến lược mà Vietcombank đã xác định và để thực hiện mục tiêu đó, M&A là một trong các giải pháp. M&A sẽ giúp Vietcombank nhanh chóng mở rộng quy mô, tạo đà nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để M&A thực sự có hiệu quả đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, chọn lựa kỹ càng. Vietcombank đã bước đầu triển khai công tác chuẩn bị. Việc tăng vốn điều lệ được ĐHCĐ 2014 gần đây thông qua cũng là một bước chuẩn bị để Vietcombank có thể thực hiện các kế hoạch của mình.

Vietcombank sẽ cân nhắc thực hiện M&A trong thời gian tới

Khách hàng, đối tác luôn là đối tượng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi ngân hàng. Vietcombank đã chú trọng công tác phát triển mạng lưới khách hàng và các đối tác như thế nào trong thời gian qua?

Khách hàng là nguồn lực quý của Vietcombank và là nội dung luôn được Ngân hàng chú trọng. Thời gian gần đây, Vietcombank tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Vietcombank đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tổng công ty và tập đoàn lớn nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu cũng như hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng. Trong quý 1/2014, Vietcombank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Điện lực; thỏa thuận hợp tác song phương với Tổng công ty Điện lực miền Bắc; thỏa thuận phối hợp thu NSNN với Kho bạc Nhà nước và cục thuế một số địa phương.

Mặt khác, Vietcombank chú trọng đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân. Năm 2013, tín dụng thể nhân của Vietcombank đạt mức tăng trưởng 29,5%, chiếm tỷ trọng 13,7% tổng dư nợ. Bên cạnh củng cố, phát triển mối quan hệ với khách hàng truyền thống, Vietcombank đẩy mạnh tiếp cận, thu hút khách hàng mới. Kết quả, công tác phát triển khách hàng mới có một số chuyển biến: quý I/2014 đạt 679 khách hàng, bằng 28% kế hoạch năm.

Để trở thành một trong 300 tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2020, chiến lược và các nhiệm vụ then chốt của Vietcombank cho giai đoạn tới là gì?

Để hiện thực hoá tầm nhìn 2020 và thực hiện 5 mục tiêu chiến lược đã đề ra, Vietcombank xác định một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về mặt tài chính, chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng thực hiện M&A. Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục  đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay và huy động, kiểm soát nợ xấu, tăng tỷ lệ thu lãi thuần (NIM), tăng tỷ lệ doanh thu ngoài lãi, tối ưu hóa tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập và tăng tỷ lệ RAROC.

Thứ hai, về khách hàng, chúng tôi đặt mục tiêu tăng số lượng và doanh số từ khách hàng, chú trọng vào khách hàng mục tiêu, đa dạng hóa sản phẩm thỏa mãn nhu cầu khách hàng và phát triển các dịch vụ ngân hàng tiên tiến trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Thứ ba, về quy trình nội bộ, chúng tôi sẽ hoàn thiện mô hình hoạt động khối theo thông lệ tốt nhất, phát triển hệ thống thông tin MIS đáp ứng yêu cầu quản trị của ngân hàng, chuyển đổi và phát triển nền tảng công nghệ hiện đại đi liền với đơn giản và tối ưu hóa quy trình theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư về con người, thực hiện tăng cường chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới, tuyển dụng, duy trì, đào tạo và luân chuyển cán bộ; tăng cường văn hóa hợp tác trong ngân hàng và tăng cường sự gắn bó và hiệu quả của cán bộ, nhân viên.

Cuối cùng, về quản trị rủi ro, chúng đặt mục tiêu tuân thủ Basel II và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan