Những viễn cảnh tươi sáng trên đang được hai bên kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực vào năm 2016, khi FTA Việt Nam - EU được hoàn tất.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU. Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định này sẽ là một cú hích quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của mỗi bên, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
“Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen cho biết, lộ trình giảm thuế của EU là 7 năm, của Việt Nam là 10 năm. Theo đó, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xoá bỏ 71% dòng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam. Ngược lại, phía Việt Nam sẽ giảm 65% dòng thuế nhập khẩu cho hàng hóa của EU. Sở dĩ có khoảng cách và chênh lệch trong lộ trình giảm thuế giữa hai bên, là do mức độ phát triển khác nhau giữa nền kinh tế Việt Nam và EU. Theo ông Jessen, đây là lộ trình khá tham vọng với Việt Nam.
Bên cạnh các mặt hàng giảm thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế khác nhau, nhằm đảm bảo các DN có thời gian để thích nghi, đặc biệt là đối với các DN Việt Nam, bởi EU là thị trường có tiêu chuẩn rất cao với nhiều quy định kỹ thuật nghiêm ngặt.
Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, Trưởng phòng Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, bên cạnh việc hai bên sẽ xóa bỏ tới 99% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, 1% còn lại là hàng nông sản nhạy cảm sẽ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu với thuế suất 0%. Trong đó, riêng mặt hàng gạo sẽ chịu hạn ngạch đối với từng loại gạo và mức thuế thấp nhất 0% chỉ áp dụng cho 30.000 tấn/năm.
Một số mặt hàng cũng phải áp dụng hạn ngạch là thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Riêng với sản phẩm sữa, mức thuế suất sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm, cà phê cũng sẽ được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm. Ông Bouflet lưu ý rằng, một số hàng nông sản nhạy cảm từ Việt Nam sẽ không được dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn và phải áp dụng quy tắc hạn ngạch thuế quan (TRQ), bao gồm gạo, tỏi, đường, cá ngừ đóng hộp, nấm và ngô ngọt.
Các loại hàng hóa là máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn sau khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 5 năm. Cụ thể, đối với một số mặt hàng như xe gắn máy, lộ trình bỏ thuế là 7 năm với xe có dung tích lớn, trên 150cc; với ô tô là 10 năm, nhưng với ô tô tải trọng lớn thì sớm hơn 1 năm.
Về lộ trình giảm thuế đối với hàng dệt may, giày dép, thủy sản, là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, ông Bouflet cho biết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng của EU xuất khẩu sang Việt Nam, còn đối với hàng Việt Nam xuất sang EU, thuế sẽ được dỡ bỏ dần sau 7 năm.
“Riêng đối với hàng dệt may, sản phẩm của Việt Nam muốn hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép, tức là ít nhất vải và việc may mặc phải được làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn, nếu đối tác đó thuộc FTA của Việt Nam và EU, chẳng hạn, nguồn nguyên liệu coi như của Việt Nam nếu xuất xứ Hàn Quốc, nhưng không có yếu tố Trung Quốc. Dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu, vấn đề duy nhất với hàng dệt may là phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, vì EU ký FTA với Việt Nam chứ không phải nước nào khác gần Việt Nam”, ông Bouflet nhấn mạnh.
Đánh giá về tổng thể, ông Bouflet cho rằng, EVFTA cân bằng lợi ích tổng thể cho cả hai bên. Do đó, “các DN Việt Nam không nên quá lo lắng về việc thay đổi diện mạo của hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU. Hàng Việt Nam vốn dĩ đã rất có sức cạnh tranh ngay cả khi không có EVFTA. Dù còn tồn tại hạn ngạch đối với một số ít mặt hàng, nhưng tổng thể, phần EU dành cho Việt Nam là rất "hào phóng". Trong những năm tới, Việt Nam có đủ thời gian để tận dụng tối đa những lợi thế, ưu đãi từ hiệp định này. Bây giờ chính là thời điểm, Việt Nam tính đến việc xuất đi những mặt hàng chất lượng cao, có thương hiệu”, ông Bouflet khuyến nghị.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, phía EU khẳng định mối quan tâm đối với trần sở hữu cổ phiếu ngân hàng và một số dịch vụ viễn thông. “Liên quan đến khu vực ngân hàng, thực tế, Việt Nam đã mở cửa cho ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, việc chúng tôi quan tâm là nâng mức trần sở hữu cổ phiếu ngân hàng, để chúng tôi có cơ hội tăng lượng cổ phiếu, cổ phần sở hữu tại các ngân hàng cổ phần hoá ở đây. Đối với lĩnh vực viễn thông, chúng tôi cần tiếp cận với viễn thông hạ tầng phi mặt đất, thay vì hạ tầng gắn với mặt đất”, ông Jessen cho biết.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP Việc tham gia nhiều FTA trong năm 2015 là một bước tiến dài trong con đường hội nhập và DN Việt Nam cần phải chủ động chuẩn bị kỹ càng cho việc tham gia những sân chơi rộng hơn, với nhiều luật chơi mới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh khi thị trường được mở cửa, mỗi DN cần nghiên cứu và tự tìm cho mình một con đường đi, xây dựng kế hoạch cụ thể. Khi thâm nhập thị trường xuất khẩu mới, cần liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và đầu tư; các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán tại nước sở tại để tìm hiểu kỹ lưỡng về tập quán, luật pháp kinh doanh tại nước đó, bởi trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài giờ đã có thêm chức năng phục vụ kinh tế... Các DN cũng cần nắm rõ lộ trình mở cửa của Việt Nam theo cam kết tại các hiệp định, để có bước chuẩn bị kịp thời, tăng sức “đề kháng”, giữ vững thị trường khi làn sóng nhà đầu tư nước ngoài ùa vào. Doanh nghiệp Việt cũng cần nắm rõ những vấn đề như việc luân chuyển tài chính, nhân lực nội địa, nhập khẩu và xuất khẩu lao động… Tóm lại, DN Việt cần năng động đi trước, tìm hiểu những luật lệ, quy định của các hiệp định thương mại và nếu cần thì kiến nghị các cơ quan nhà nước trong quá trình đàm phán để cố gắng có được những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất trong nước. |
Ông Nguyễn Văn Thời,Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG EU, gồm 27 quốc gia thành viên, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản... bởi vậy, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết, các doanh nghiệp dệt may như TNG có nhiều thuận lợi hơn. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu vào EU đối với hàng dệt may hiện nay trung bình là 12%, tới đây, sẽ giảm xuống 0 - 5%, giá xuất hàng vào thị trường này do đó có thể cạnh tranh hơn, đồng thời số lượng hàng xuất sang sẽ lớn hơn. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt tốt cơ hội. Với TNG, chúng tôi đang xác định đi bằng nhiều chân. Bên cạnh việc gia công cho các hãng nước ngoài lớn, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh cho mảng thời trang, với thương hiệu TNG. Các sản phẩm của TNG đã xuất hiện tại 40 cửa hàng ở các thành phố lớn, TNG cũng đang thực hiện kế hoạch thành lập Viện thiết kế thời trang của riêng mình, trong đó, ngoài việc mời gọi các nhà thiết kế trong nước, chúng tôi dự kiến sẽ hợp tác với các nhà thiết kế nước ngoài. |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) Các hiệp định thương mại có tác động tốt đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đi đôi với các hiệp định là những rào cản về kỹ thuật, những thủ thuật về thuế quan, hàng rào về bản quyền thương hiệu, cùng các rào cản khác về chính sách an sinh xã hội, môi trường, trong khi các nước nhập khẩu thường đưa ra chuẩn mực rất cao. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn khi ký kết các hiệp định quan trọng như TPP, phải có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian chỉnh sửa, thích ứng. Và tuyệt đối nghiêm cấm quy định về hạn ngạch (quota) của các nước nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong Chính phủ mạnh dạn và tích cực đấu tranh, có biện pháp trừng phạt các nước vi phạm cam kết trong các hiệp định song phương và đa phương. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý chuẩn bị vốn để mua bản quyền phần mềm, bản quyền mẫu mã, máy móc thiết bị, cũng như bản quyền về mẫu mã dụng cụ sản xuất và hàng hóa. Đồng thời, chuẩn bị vốn lớn để đầu tư cho công nghệ, nhằm đảm bảo hàng hóa đạt yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm… |